|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội LHPN huyện An Lão (Bình Định): Nỗ lực giúp bà con dân tộc thiểu số thoát nghèo

Theo bà Nguyễn Thị Ái Dân, Chủ tịch Hội LHPN huyện An Lão, hỗ trợ góp phần giúp bà con dân tộc thiểu số thoát nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội LHPN huyện An Lão.

Sản phẩm của phụ nữ An Lão trong Ngày hội Khởi nghiệp

Báo PNVN đã có cuộc trò chuyện với bà Nguyễn Thị Ái Dân, Chủ tịch Hội LHPN huyện An Lão, về vấn đề này:

PV: Theo bà, nguyên nhân nào dẫn đến điều kiện kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện An Lão còn nhiều khó khăn?

Chủ tịch Hội LHPN huyện An Lão: Toàn huyện An Lão có 9.494 hộ với 33.240 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số Hrê và BaNa là 3.382 hộ với 12.288 nhân khẩu.

An Lão là một huyện đặc thù: Miền núi- nghèo, là huyện nghèo duy nhất của tỉnh Bình Định. Mặc dù trong nhiều năm qua, cùng với các nguồn lực từ chương trình mục tiêu quốc gia, các cấp uỷ, chính quyền của huyện đặc biệt quan tâm đến công tác giảm nghèo và đã đạt rất nhiều kết quả: Tỷ lệ giảm nghèo hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết đảng bộ huyện đề ra.

Tuy nhiên, số lượng hộ nghèo, cận nghèo vẫn còn cao: 43,47% (theo thống kê cuối năm 2022) và kết quả giảm nghèo trên địa bàn huyện không đồng đều, trong đó hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm số đông. Theo kết quả rà soát của huyện mới nhất, tổng số hộ nghèo của huyện là 4.117 hộ (tỷ lệ 43,47% nghèo đa chiều) (DTTS: 2.167/2.829 hộ).

Về nguyên nhân khách quan: Do thiếu đất sản xuất (1695 hộ, chiếm 41,07%), do thiếu vốn sản xuất - kinh doanh (1494 hộ, chiếm 36,2%).

Về nguyên nhân chủ quan, do thói quen tập quán canh tác nhỏ lẻ, manh mún, ý thức vươn lên làm giàu trong đồng bào DTTS còn rất hạn chế, dẫn đến ít quan tâm trang bị kiến thức về sản xuất và phát triển kinh tế. Đặc biệt, vẫn còn một bộ phận người dân trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Bên cạnh đó, đặc thù của bà con đồng bào DTTS là rụt rè, nhút nhát trong thay đổi sinh kế của mình, chủ yếu vẫn bám vào đất, vào rừng, vào rẫy.

Đó là những nguyên nhân cơ bản khiến cho kinh tế của người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện An Lão còn gặp nhiều khó khăn.

PV: Bà đánh giá thế nào về vai trò của phụ nữ Hrê trong việc phát triển kinh tế gia đình hiện nay?

Chủ tịch Hội LHPN huyện An Lão: Nói về vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế gia đình thì dù ở giai đoạn lịch sử nào, ở dân tộc nào, người phụ nữ đóng góp rất lớn. Tuy nhiên, với đặc thù của huyện miền núi, nhất là các xã người đồng bào DTTS thì cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp là cơ bản. Do đó, vai trò của phụ nữ Hrê trong phát triển kinh tế gia đình là khá lớn. Người phụ nữ Hrê làm nương, phát rẫy, trồng cây keo, chăn nuôi… chưa kể vẫn phải chăm lo cho gia đình.

Bên cạnh đó, hiện nay đã có những phụ nữ đã mạnh dạn thay đổi sinh kế, chuyển sang làm dịch vụ, nấu ăn, buôn bán nhỏ. Tuy nhiên, số này chưa nhiều và thu nhập chưa ổn định. Sau dịch Covid-19, số lượng chị em đi làm ăn xa không nhiều như trước. Do đất sản xuất không có nhiều nên chị em còn nhiều khó khăn.

PV:  Để góp phần giúp bà con dân tộc thiểu số thoát nghèo, Hội LHPN An Lão đã có những định hướng và giải pháp cụ thể gì, thưa bà?

Chủ tịch Hội LHPN huyện An Lão: Hội LHPN huyện An Lão luôn quan tâm việc hỗ trợ góp phần giúp bà con dân tộc thiểu số thoát nghèo. Căn cứ các nguyên nhân dẫn đến khó khăn vì kinh tế, Hội đã có nhiều kế hoạch, hoạt động cụ thể để giúp hội viên, phụ nữ thoát nghèo và làm giàu. 

Trong năm 2023, bám sát các chỉ tiêu của Hội và các nghị quyết của HĐND huyện, Hội đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ với nhiều giải pháp lớn như: Triển khai sâu rộng các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về chương trình, chính sách tín dụng ưu  đãi cho vay đối với người đồng bào dân tộc thiểu số, gắn với đề án kế hoạch giảm nghèo của huyện; tổ chức thực hiện các hợp đồng uỷ thác với Ngân hàng chính sách xã hội huyện…

Sản phẩm của phụ nữ An Lão bày tại Hội chợ Khởi nghiệp

Đặc biệt, trong giai đoạn này, Hội LHPN huyện An Lão tranh thủ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miến núi mà Hội được giao thực hiện Dự án 8. Trong đó, Hội quan tâm việc đẩy mạnh tuyên truyền dự án gắn với thực hiện phong trào thi đua xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. 

Qua đó giúp phụ nữ khơi dậy tinh thần phấn đấu, cố gắng khắc phục hạn chế khó khăn vươn lên, khắc phục sự rụt rè, nhút nhát, tự tin, an phận của người phụ nữ dân tộc thiểu số. Đồng thời, tạo cơ hội cho chị em tiếp cận với các mô hình sinh kế mới để giảm dần sức lao động, để chị em có điều kiện chăm sóc cho bản thân, gia đình.

Cụ thể, trước mắt, Hội sẽ đầu tư kinh phí hỗ trợ phát triển sinh kế, các mô hình phát triển hợp tác xã, tổ chức phiên chợ xanh, Ngày khởi nghiệp, giúp chị em mạnh dạn đầu tư sản xuất kinh doanh, dịch vụ để tăng thu nhập cho gia đình.

Tuy nhiên, Hội LHPN huyện An Lão cũng còn những khó khăn nhất định là việc khai thác nguồn vốn dự án 8 để hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ như: Còn mơ hồ về thủ tục, hồ sơ cũng như quy trình hỗ trợ phù hợp.


Tác giả: PV
Nguồn:phunuvietnam.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật