Hội Nông dân huyện An Lão: Thực hiện nhiều mô hình hữu ích
Nông dân xã An Tân bỏ rác thải bảo vệ thực vật vào bể chứa xây dựng ngay trên đồng ruộng.
Dạo một vòng quanh thôn Thanh Sơn, xã An Tân, chúng tôi nhận thấy đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch sẽ. Tìm hiểu được biết, định kỳ mỗi tuần 1 lần hoặc mỗi tháng từ 1 - 2 lần, chi hội nông dân lại tập trung hội viên để tổng vệ sinh, quét dọn đường làng, ngõ xóm và khơi thông cống rãnh... Việc làm này không chỉ nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của mỗi người dân, giữ gìn ANTT, đảm bảo ATGT trên địa bàn mà còn gắn kết tình làng, nghĩa xóm thêm bền chặt.
Trước đây, nhiều hộ dân sống dọc các kênh, sông, suối địa phận xã An Hòa thường vứt rác xuống dòng kênh làm ô nhiễm môi trường nước và gây ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh... Tham gia xây dựng mô hình “Hội Nông dân tự quản bảo vệ môi trường”, từ năm 2016 đến nay, Hội Nông dân xã đã tích cực tuyên truyền và vận động người dân thực hiện bằng những việc làm cụ thể nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường dọc kênh cũng như trong khu dân cư. Đến nay, 100% hộ dân trong xã đã tự giác ký cam kết và tham gia mô hình này. Chỉ sau một thời gian ngắn, tình hình vệ sinh tại xã An Hòa được cải thiện rõ rệt; các hộ dân tự giác nhắc nhở nhau không vứt rác xuống dòng kênh, quét dọn nhà cửa, sân vườn và đoạn đường trước nhà mình hằng ngày.
Lâu nay, nhiều người có thói quen vứt bừa bãi bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng. Để khắc phục, Hội Nông dân xã An Tân đã xây dựng mô hình tự quản về thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật; xây dựng 40 bể thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật đặt tại các cánh đồng. Qua hơn 3 năm triển khai, Hội Nông dân xã thu gom trên 2.000 kg vỏ thuốc bảo vệ thực vật, góp phần thiết thực cải thiện môi trường sản xuất của bà con.
Ông Đinh Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện, cho biết: Cùng với mô hình tự quản, góp phần giữ gìn, bảo vệ môi trường, các cấp hội nông dân trong huyện đã và đang xây dựng được nhiều mô hình tự quản mang lại hiệu quả thiết thực như: Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh ở khu dân cư, chi hội nông dân tự quản về ANTT, đoạn đường ATGT do nông dân tự quản... Kinh nghiệm cho thấy, giai đoạn đầu thường rất khó khăn, nhưng khi những lợi ích phát huy tác dụng, chuyển biến sẽ nhanh hơn. Chúng tôi thường xuyên nhấn mạnh rằng, ta làm việc này là vì lợi ích của chính chúng ta, “mưa dầm thấm sâu” dần dần bà con cũng tin theo.
DIỆP THỊ DIỆU
baobinhdinh.com.vn