A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tập trung phòng trừ sinh vật gây hại lúa Đông Xuân

Hiện nay, trên 5.200 ha lúa Đông Xuân đang bước vào giai đoạn cuối đẻ nhánh - tượng khối sơ khởi đến trỗ - ngậm sữa. Điều kiện thời tiết hiện tại ngày nắng, đêm lạnh và có nhiều sương mù thuận lợi nhiều đối tượng dịch hại phát hát sinh gây hại lúa. Đáng chú ý là bệnh đạo ôn lá, cổ lá và cổ bông đã phát sinh gây hại trên lúa giai đoạn cuối đẻ nhánh làm đòng - ngậm sữa, chuột phát sinh và gây hại mạnh cục bộ trên lúa từ cuối đẻ nhánh đến làm đòng.

Ông Nguyễn Dũng Nhân ở thôn Phú Hiệp, xã Tây Phú khẩn trương phun thuốc phòng trừ khi phát hiện bệnh đạo ôn lá

Hơn 375 ha lúa Đông Xuân của xã Tây Phú đang giai đoạn đứng cái, chuẩn bị làm đòng, nhận thông báo của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện về tình hình bệnh đọa ôn xuất hiện và gây hại cục bộ một số địa phương trong đó có xã Tây Phú. UBND xã Tây Phú đã chỉ đạo cho cán bộ chuyên môn, Hợp tác xã và các thôn, xóm kiểm tra tình hình dịch hại để kịp thời vận động, hướng dẫn nông dân phòng trừ.
Hơn 346 ha lúa Đông Xuân của xã Tây Thuận cũng đang giai đoạn đẻ nhánh, đứng cái, làm đòng phát triển tốt. Tuy nhiên, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, nạn chuột cắn phá xuất hiện ngày càng nhiều, nhất là tại các chân ruộng cao gần bờ bụi rậm, chân ruộng thường xuyên bị khô hạn, thiếu nước với mức thiệt hại phổ biến từ 1% đến 3%. Chính quyền địa phương đã và đang tập trung khuyến cáo, hướng dẫn  bà con nông dân tích cực sử dụng nhiều biện pháp diệt chuột bảo vệ lúa.
Để bảo vệ chuột cắn phá làm ảnh hưởng đến sự phát triển của 640 ha lúa Đông Xuân toàn xã, thời gian qua xã Bình Nghi đã phát động phong trào diệt và thu mua đuôi chuột. Theo đó địa phương đã trích kinh phí trên 21 triệu đồng thu mua 7.176 đuôi chuột, với giá 3.000 đồng/đuôi. Ông Văn Ngọc Quế - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Nghi: Thời gian tới, UBND xã tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của UBND huyện, các ngành chuyên môn của huyện, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, chỉ đạo các HTX điều tiết nước hợp lý ở những vùng lúa bị chuột và bệnh đạo ôn gây hại, làm tốt công tác dự tính, dự báo nắm bắt tình hình dịch bệnh, đẩy mạnh công tác thông tin, hướng dẫn bà con nông dân thực hiện các biện pháp phòng trừ tập trung, đồng loạt theo chiến dịch để đạt hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, cũng tập trung cao cho công tác diệt chuột bằng phương pháp thủ công, diệt chuột bằng mồi ngâm thuốc sinh học và đặt cạm bẫy, đồng thời thông báo nghiêm cấm bà con nông dân không dùng điện để bắt chuột.
Ông Trương Thế Việt - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện: Qua kiểm tra thực tế tình hình sinh trưởng và phát triển của lúa Đông Xuân năm 2022 - 2023 trên địa bàn huyện, hiện nay bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông phát sinh gây hại rải rác và nặng cục bộ một số ruộng ở các xã như: Bình Nghi, Tây An, Bình Thành, Tây Phú, Bình Tân,... Đồng thời với diễn biến thời tiết hiện tại ngày nắng, đêm lạnh và có nhiều sương mù rất thích hợp cho bệnh đạo ôn phát sinh và phát triển gây hại trên các giống nhiễm như ĐV108, TBR1, Q5, Khang dân đột biến,… Dự báo thời gian đến bệnh đạo ôn lá, cổ lá và đạo ôn cổ bông tiếp tục gây hại mạnh nếu không có biện pháp phòng trừ kịp thời, sẽ gây cháy lá ở diện rộng trên những ruộng xanh tốt bón thừa đạm. Bên cạnh đó trên các trà lúa Chuột đã cắn phá với tỉ lệ hại 5 - 7% cao cục bộ 10 - 15% . Chuột tiếp tục gây hại mạnh, nhất là trên trà lúa đứng cái - làm đòng. Để chủ động phòng trừ kịp thời các loại sinh vật gây hại lúa Đông Xuân, UBND huyện đã chỉ đạo cho các địa phương, các ngành liên quan theo dõi dự báo tình hình sâu bệnh, hướng dẫn, tuyên truyền nông dân sử dụng đúng các loại thuốc đã hướng dẫn để phòng trừ có hiệu quả. Vận động nhân dân tích cực diệt chuột, nhiều địa phương đã phát động phong trào diệt chuột và trích kinh phí thu mua đuôi chuột như các xã Bình Thuận, Tây Vinh, Tây An, Bình Nghi,…


Tác giả: Nguyệt Ánh
Nguồn:tayson.binhdinh.gov.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật