Tây Sơn: Tập trung phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch
Kết quả bước đầu
Huyện Tây Sơn nằm trên trục quốc lộ 19 - con đường kết nối Cảng Quy Nhơn, duyên hải miền Trung với Tây Nguyên. Đây là quê hương của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ; có nhiều di tích lịch sử-văn hóa như điện thờ Tây Sơn Tam kiệt, đền thờ Bùi Thị Xuân, tháp Dương Long, lăng Mai Xuân Thưởng, đặc biệt là vùng đất sản sinh dòng võ cổ truyền Tây Sơn - Bình Định. Nơi đây có danh thắng Hầm Hô và có nhiều sản phẩm truyền thống nổi tiếng như gạch ngói, nón lá, đồ mỹ nghệ… nên rất thuận lợi để phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch.
Phát huy lợi thế đó cùng với sự nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân địa phương, hơn 5 năm qua nền kinh tế của huyện Tây Sơn tiếp tục có sự tăng trưởng khá, giá trị của các ngành sản xuất chính tăng bình quân hàng năm 14,98%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng và tích cực, trong đó lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng chiếm tỉ trọng 32,5%; thương mại - dịch vụ - du lịch chiếm 42,7%. Lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch phát triển khá với nhiều hoạt động, nhiều thành phần kinh tế tham gia, tốc độ tăng bình quân hàng năm 21,3%. Số cơ sở kinh doanh hoạt động trên lĩnh vực thương mại, dịch vụ tăng khá, đến nay có trên 4.000 cơ sở với hơn 5.000 lao động.
Hệ thống chợ trên địa bàn huyện (13 chợ) đã được đầu tư xây dựng và khai thác sử dụng có hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu buôn bán của nhân dân. Dịch vụ vận tải hàng hóa và vận chuyển hành khách tiếp tục phát triển. Toàn huyện có trên 550 phương tiện vận tải các loại; đã xây dựng mới 1 bến xe khách liên tỉnh loại II, góp phần tích cực trong việc lưu thông hàng hóa và đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân.
Tuy đạt được những kết quả bước đầu, nhưng hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch ở Tây Sơn cũng còn một số tồn tại, hạn chế, như công tác quy hoạch, đầu tư phát triển, nhất là lĩnh vực dịch vụ - du lịch, chưa được chú trọng để trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện. Công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư khai thác tiềm năng du lịch còn hạn chế. Việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nhất là đường giao thông, nhà hàng, khách sạn, điểm vui chơi - giải trí trên địa bàn chưa được chú trọng. Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, thiếu hấp dẫn…
Đặc sản Hầm Hô: cá mương, rau rừng, ốc đá.
|
Giải pháp phát triển
Để khai thác tốt tiềm năng khá phong phú và đa dạng về thương mại, dịch vụ, du lịch, thời gian tới, huyện Tây Sơn sẽ tập trung các giải pháp nhằm nâng cao giá trị sản xuất thương mại - dịch vụ - du lịch, trọng tâm là phát triển và khai thác có hiệu quả các tiềm năng du lịch. Chuyển lao động trong nông nghiệp sang lao động công nghiệp và dịch vụ, du lịch. Phấn đấu đến năm 2015 đưa cơ cấu kinh tế thương mại, dịch vụ, du lịch chiếm 43% so với tổng giá trị các ngành sản xuất chính; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm về thương mại, dịch vụ, du lịch đạt 18%; hàng năm giải quyết việc làm ổn định cho trên 1.000 lao động.
Theo mục tiêu đó, sắp tới huyện sẽ xây dựng và đưa vào hoạt động tại thị trấn Phú Phong một siêu thị và một trung tâm thương mại đủ sức đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân trong và ngoài huyện. Huyện sẽ xây dựng mới các chợ đầu mối: Hòa Lạc, chợ Cây Xoài 1, chợ Cầu 16, chợ Vĩnh An, chợ Bình Đồn, chợ Trường Định, chợ Kiên Long, chợ mới Phú Phong, và tu sửa nâng cấp các chợ còn lại. Tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng và kinh doanh thương mại, dịch vụ tại diện tích đất nằm trong dự án khu đê bao sông Côn và khu dân cư ngã ba quốc lộ 19, đường Nguyễn Huệ. Tiếp tục đầu tư và phát huy hiệu quả của bến xe khách hiện có.
Về du lịch, tiếp tục tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư xây dựng khu du lịch Hầm Hô trở thành khu nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái. Cùng với tỉnh đầu tư xây dựng mới đền thờ Võ Văn Dõng, di tích huyện đường Bình Khê. Kêu gọi đầu tư và khai thác hồ Thuận Ninh, đập dâng Văn Phong gắn với lăng Mai Xuân Thưởng trở thành khu du lịch sinh thái với các dịch vụ vui chơi giải trí đa dạng như dã ngoại, câu cá, bơi thuyền…Củng cố và phát triển các làng võ cổ truyền Tây Sơn-Bình Định gồm các võ đường như Hồ Sừng (xã Bình Thuận), Phan Thọ (Bình Nghi), Trần Dần (Tây Vinh), gắn việc bảo tồn và phát huy nền võ học với phục vụ khách tham quan du lịch. Phát triển khép kín hoạt động du lịch tham quan các điểm Bảo tàng Quang Trung-Tháp Dương Long-Đền thờ Bùi Thị Xuân-Lăng Mai Xuân Thưởng. Đầu tư khai thác các sản phẩm lưu niệm, góp phần làm cho sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, quảng bá các món ẩm thực mang nét đặc trưng của địa phương để thu hút khách du lịch.
Thời gian qua, tỉnh và huyện đã huy động các nguồn vốn xã hội hóa, đầu tư xây dựng mới đền thờ Bùi Thị Xuân; nâng cấp, mở rộng Bảo tàng Quang Trung; trùng tu tháp Dương Long, lăng Mai Xuân Thưởng… góp phần phục vụ hoạt động phát triển du lịch. Ngoài ra, khu du lịch sinh thái Hầm Hô đã từng bước được đầu tư, thu hút ngày càng nhiều khách tham quan, du lịch. Trong 5 năm qua, các di tích, danh thắng, khu du lịch trên địa bàn huyện đã đón 618.570 lượt khách, trong đó có 6.788 lượt khách nước ngoài, doanh thu 18,4 tỉ đồng. |