Tuy Phước: Đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp
Là địa phương nằm ở cửa ngõ TP Quy Nhơn, có tuyến đường sắt Bắc - Nam và hai tuyến quốc lộ 1A và 19 chạy qua, cùng 4 tuyến tỉnh lộ 638, 640, 636A, 636B đi qua địa bàn, nên huyện Tuy Phước có lợi thế về địa lý và hệ thống giao thông để phát triển sản xuất CN - TTCN.
Mặt khác, sau khi hoàn thành chuyển đổi diện tích lúa 3 vụ sang sản xuất 2 vụ/năm, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, lực lượng lao động dôi dư nhiều. Tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên, huyện đã thực hiện nhiều chính sách tạo việc làm như: cho vay phát triển làng nghề TTCN, vay đầu tư làm kinh tế trang trại, gia trại, trồng rừng… nhất là tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn và giới thiệu lao động vào làm việc ở các khu, cụm CN, để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Tuy Phước luôn tập trung chú trọng công tác quy hoạch và đầu tư phát triển các cụm, điểm CN, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất CN-TTCN trên địa bàn huyện. Nhờ vậy, cơ sở hạ tầng Cụm CN Phước An giai đoạn 1 trên diện tích 26 ha đã được lấp đầy với 11 doanh nghiệp (DN) gồm 6 DN chế biến gỗ xuất khẩu, 1 DN sản xuất nhang xuất khẩu, 3 DN sản xuất nhựa và 1 DN sản xuất xốp đi vào hoạt động; từ năm 2004 đến nay, thu hút hơn 1.500 lao động vào làm việc. Giá trị sản xuất 9 tháng đầu năm 2011 của Cụm CN Phước An chiếm 21% tổng giá trị sản xuất CN trên toàn huyện. Cụm CN Phước An đang được huyện đầu tư mở rộng giai đoạn 2. Huyện cũng đã xúc tiến quy hoạch chi tiết Cụm CN Phong Tấn (xã Phước Lộc), diện tích 24 ha và điểm TTCN xã Phước Hưng, diện tích 5 ha.
Bên cạnh sự ra đời và phát triển của Cụm CN Phước An, dọc theo tỉnh lộ 638 và quốc lộ 1A, quốc lộ 19, tỉnh lộ 640, 636B trên địa bàn huyện cũng mọc lên nhiều cơ sở sản xuất CN-TTCN. Chỉ tính riêng trên tỉnh lộ 638 thuộc xã Phước An và xã Phước Thành, có hơn chục nhà máy, xí nghiệp hoạt động các ngành nghề: chế biến nông-lâm sản, đá granite… giải quyết việc làm cho cả ngàn lao động.
Ba làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện (gồm làng nghề bánh tráng Kim Tây, xã Phước Hòa; làng nghề chiếu cói Lạc Điền và An Lợi (xã Phước Thắng) đã được tỉnh công nhận, hiện sản xuất ổn định, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 1.600 lao động, giá trị sản xuất đạt khoảng 18-23 tỉ đồng/năm.
Đến nay, toàn huyện có 2.600 cơ sở sản xuất CN-TTCN, tăng trên 45% so với 5 năm trước, với cơ cấu ngành nghề khá đa dạng, từ chế biến nông-lâm-thủy sản, đến chế biến đồ nhựa, đồ gỗ, làm nhang, may mặc, sản xuất bánh tráng bằng máy… giải quyết việc làm hơn 10.000 lao động tại chỗ. Các sản phẩm làng nghề ở Tuy Phước không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn vươn ra cả nước và xuất khẩu ra nước ngoài.
Thời gian qua, sản xuất CN - TTCN của huyện Tuy Phước có bước phát triển khá, giải quyết được việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, kinh tế của huyện có tăng trưởng nhưng còn chậm, hoạt động của một số DN trên địa bàn huyện gặp không ít khó khăn; việc xây dựng phương án giải phóng mặt bằng giai đoạn 2 Cụm CN Phước An và chợ Diêu Trì còn chậm…
Hiện Tuy Phước đang nỗ lực khắc phục những tồn tại, phát huy lợi thế sẵn có, tiếp tục tạo cơ chế thông thoáng trong đầu tư đẩy mạnh phát triển CN - TTCN, tăng cường công tác đào tạo nghề để giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người dân.
Theo Báo cáo của UBND huyện Tuy Phước, 9 tháng đầu năm nay, tuy gặp không ít khó khăn, nhưng nhờ thực hiện quyết liệt các giải pháp của Chính phủ, của tỉnh nên sản xuất CN - TTCN của huyện tiếp tục tăng trưởng, giá trị sản xuất CN - TTCN đạt gần 271 tỉ đồng, bằng 66,13% kế hoạch năm và tăng 10,23% so với cùng kỳ năm 2010. |