Kinh tế trang trại ở An Nhơn: Cần được hỗ trợ nhiều hơn
Đi lên từ KTTT
Một trong những điển hình tiên tiến làm KTTT theo hướng chăn nuôi là ông Lê Văn Luận, ở xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn. Đã mấy lần nuôi gà thất bại vì gà bị dịch bệnh, lâm vào cảnh trắng tay, ông Luận vẫn không từ bỏ hy vọng làm giàu từ nuôi gà. Với quyết tâm, ông đã tìm tòi, học hỏi thêm kiến thức chăn nuôi, cộng với kinh nghiệm đúc kết được. Giờ đây, hàng năm gia đình ông Luận thu nhập không dưới 200 triệu đồng từ trang trại chăn nuôi gà. Ông Luận cho biết: “Nuôi con gà không phải dễ. Sau khi gà được xuất bán, cần vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, phun thuốc sát trùng, để cho chuồng khô ráo rồi mới nuôi lại lứa mới. Cần diệt tận gốc nguồn lây bệnh cho đàn gà, số lượng nuôi sống phải trên 95%, khi đó mới nghĩ tới việc sinh lời”.
Một điển hình khác về làm giàu từ trang trại chăn nuôi là ông Nguyễn Thành Hay, ở xã Nhơn Thọ. Sau thất bại từ trang trại trồng cây ăn quả, năm 2008, ông hợp tác với Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam đầu tư nuôi heo. Đến nay, trang trại của ông có 10 trại nuôi heo, bình quân mỗi trại nuôi 400 con, hàng năm xuất bán hơn 700 tấn heo thịt, mang lại nguồn lợi nhuận không nhỏ cho gia đình. Ngoài ra, ông còn tạo công ăn việc làm cho hơn 30 lao động ở địa phương với tiền công từ 2,5-2,8 triệu đồng/người/tháng.
Theo thống kê, toàn huyện An Nhơn hiện có 54 trang trại, tập trung sản xuất chủ yếu hai ngành chính là sản xuất nông nghiệp tổng hợp và chăn nuôi. Hầu hết các trang trại thực hiện quy trình sản xuất khép kín, tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu tại chỗ để tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi. Tuy nhiên, hiện còn nhiều trang trại vẫn gặp không ít khó khăn, cần có hướng tháo gỡ để phát triển.
Cần hướng phát triển bền vững
Tại cuộc gặp mặt trao đổi kinh nghiệm làm ăn giữa các chủ trang trại ở huyện An Nhơn mới đây, đa số chủ trang trại đều cho rằng, KTTT trong tỉnh nói chung và An Nhơn nói riêng có sản lượng hàng hóa thấp, thiếu tính cạnh tranh và kém bền vững.
Bức xúc nhất hiện nay đối với các trang trại là chưa được cấp giấy chứng nhận trang trại nên không có điều kiện vay vốn để phát triển sản xuất; thiếu cập nhật về thông tin thị trường tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, khoa học kỹ thuật... dẫn đến KTTT phát triển còn thấp, vốn đầu tư bỏ ra lớn nhưng kết quả thu lại chưa xứng tầm. Hiện nay các trang trại vẫn phát triển mang tính tự phát, hầu hết các chủ trang trại đều tự xoay xở vốn đầu tư.
Theo các chủ trang trại ở An Nhơn: Để KTTT trở thành đòn bẩy kinh tế, huyện cần có quy hoạch phát triển phù hợp, trong đó, chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông… để tạo ra vùng nguyên liệu từ KTTT nhằm phục vụ phát triển công nghiệp chế biến; chuyển giao kỹ thuật sản xuất theo hướng hàng hóa chất lượng và hiệu quả cho các chủ trang trại; hỗ trợ vốn cho các trang trại thông qua các kênh tín dụng và hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động trang trại…
Theo ông Lê Minh Toán, Phó Chủ tịch UBND huyện An Nhơn, thời gian qua, các trang trại ở An Nhơn đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Song để KTTT trên địa bàn huyện phát triển hơn nữa, việc quy hoạch trang trại tập trung là vấn đề cấp bách và cần thiết. Chủ trương của huyện trong thời gian tới sẽ quy hoạch khu chăn nuôi tập trung, tiếp tục đẩy mạnh mô hình KTTT, xác định đây là mũi nhọn trong phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững trên địa bàn huyện…