A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tây Sơn: Các cụm công nghiệp hoạt động có hiệu quả

5 năm trở lại đây, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) ở Tây Sơn có bước tăng khá, trên 16%/năm; trong đó, ngành TTCN tăng 12,86%. Các cụm công nghiệp (CCN) đã góp phần giải quyết việc làm, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Đến nay, trên địa bàn huyện Tây Sơn có 5 CCN với tổng diện tích 153 ha, tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, cơ sở sản xuất trên 171 tỉ đồng. Hiện có 2/5 CCN được lấp đầy với trên 200 cơ sở sản xuất, sản lượng hàng hóa sản xuất hàng năm chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất CN-TTCN cả huyện.

Trong đó, CCN Hóc Bợm có diện tích 37,8 ha, kinh phí đầu tư trên 34 tỉ đồng, đã lấp đầy 70% diện tích với 170 cơ sở sản xuất gạch ngói đang hoạt động; số lượng lao động thường xuyên trên 1.000 người. CCN Phú An có diện tích 17,7 ha, kinh phí đầu tư 131 tỉ đồng, hiện có 25 cơ sở thuê 100% diện tích, trong đó có 19 cơ sở đang hoạt động ổn định với lao động thường xuyên trên 200 người. CCN cầu Nước Xanh (Bình Nghi) diện tích 37,8 ha, huyện đã giao toàn bộ mặt bằng cho Công ty cổ phần CCN Cầu Nước Xanh làm chủ đầu tư, kinh phí quy hoạch và giải phóng mặt bằng 3,1 tỉ đồng, hiện đang chuẩn bị triển khai dự án đầu tư. CCN Trường Định 20 ha, đã xây dựng hạ tầng, hiện có 5 ha đang sử dụng để sản xuất. CCN Cầu 16 có 38 ha, hiện có 2 doanh nghiệp (DN) đi vào hoạt động, với các ngành chế biến đá granite và sản xuất săm lốp ô tô.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có 7 điểm CN và 4 làng nghề. Trong đó 7 điểm CN có tổng diện tích 130 ha, với tổng kinh phí đã đầu tư xây dựng cơ sở, trang thiết bị sản xuất và hạ tầng kỹ thuật trên 44 tỉ đồng gồm: điểm CN Gò Giữa (xã Tây Giang) 11,8 ha, hiện có 22 cơ sở đang hoạt động sản xuất gạch ngói; điểm CN Gò Đá (Bình Tường) 12,8 ha, hiện có 1 cơ sở sản xuất bột nhang hoạt động; điểm CN Tây Xuân 50 ha, hiện có 200 cơ sở sản xuất gạch ngói đang hoạt động; điểm CN Bình Nghi 12,6 ha, hiện có 2 DN sản xuất cơ khí và chế biến lâm sản đang xây dựng cơ sở, chuẩn bị đi vào hoạt động; điểm CN Gò Cầy (Bình Thành) 9,8 ha, hiện có 1 DN chế biến hạt điều, 25 cơ sở sản xuất gạch ngói và 1 cơ sở chế biến gỗ mỹ nghệ đang hoạt động; điểm CN Rẫy Ông Thơ (xã Tây An) 10 ha, hiện có 3 cơ sở sản xuất gạch ngói đang hoạt động; điểm CN Bình Tân 10 ha, hiện có 1 cơ sở chế biến nông sản đang hoạt động.

Nhìn chung, khi hình thành, các cụm, điểm CN đã thu hút nhiều DN vào đầu tư xây dựng nhà xưởng, hoạt động sản xuất - kinh doanh. Nhờ đó, số lượng cơ sở sản xuất CN-TTCN trên địa bàn Tây Sơn tăng khá. Đầu năm 2006, toàn huyện có 1.870 cơ sở thì đến nay đã tăng lên 2.340 cơ sở. Lực lượng lao động trên lĩnh vực CN-TTCN cũng tăng đáng kể, đầu năm 2006 có trên 5.000 lao động, đến nay có trên 9.000 lao động.

Tuy đạt được kết quả đáng phấn khởi nói trên, nhưng sản xuất CN-TTCN ở Tây Sơn vẫn còn những hạn chế, yếu kém như: một số dự án đầu tư xây dựng ở các cụm, điểm CN còn kéo dài; nhiều cơ sở chưa mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất; đánh giá tác động môi trường chưa được chú trọng; cơ sở hạ tầng tại các cụm, điểm CN thiếu đồng bộ, nhất là hệ thống cung cấp nước, xử lý chất thải, điện cho sản xuất, đường giao thông. Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất CN-TTCN ở Tây Sơn phần lớn có quy mô nhỏ, sản xuất chưa đa dạng; chất lượng, mẫu mã sản phẩm còn hạn chế, sức cạnh tranh thấp…

Để phát triển nhanh và bền vững ngành CN-TTCN, huyện Tây Sơn đặt nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm đến là tập trung đưa vào sử dụng và khai thác có hiệu quả các CCN, phấn đấu đến năm 2015 có 80% diện tích đất cho thuê trong các CCN đi vào sản xuất, thu hút thêm mỗi năm từ 1.000-1.500 lao động có việc làm, góp phần tạo ra giá trị sản xuất CN-TTCN trong các CCN chiếm tỉ trọng trên 60% giá trị CN-TTCN trên địa bàn huyện.


Tin nổi bật Tin nổi bật