Tuy Phước: Nỗ lực di dời dân cư vùng nguy hiểm
1.443 hộ sống trong vùng nguy hiểm
Tuy Phước nằm ở cuối nguồn các con sông lớn như sông Côn, Hà Thanh với địa hình chia cắt khá phức tạp, phía Đông huyện giáp với đầm Thị Nại. Do vậy khi mùa mưa bão đến, hầu hết các xã khu Đông của huyện thường xuyên xảy ra tình trạng ngập lụt sâu, uy hiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân địa phương.
Nhiều năm trở lại đây, các thôn Lộc Hạ, Nhân Ân, Bình Thái, Diêm Vân, Quảng Vân của xã Phước Thuận luôn là những điểm nóng về ngập lụt sâu, thiên tai nguy hiểm vào mùa mưa lũ, vì nằm dọc theo đầm Thị Nại và cuối dòng chảy của sông Hà Thanh. Bà Võ Thị Mỹ Ái, một người dân sống trên đê Đông thuộc thôn Nhân Ân, cho biết: “Cứ đến mùa mưa lũ là chúng tôi đứng ngồi không yên. Những cơn lũ đổ về dữ dội lắm. Năm 2010, ngôi nhà của tôi bị tốc mái một phần, rất may là bà con hàng xóm đã tới hỗ trợ chằng chống kịp thời”.
Cạnh nhà bà Ái là nhà ông Nguyễn Văn Cường, cũng bị nước lũ đánh vào làm sập mái hiên nhà sau. Ông Cường cho biết: “Chúng tôi sống trên bờ đê này đã hơn 10 năm. Thú thật, vì cuộc sống gia đình quá khó khăn, nên phải chấp nhận nguy hiểm. Tội nhất là mấy đứa nhỏ, cứ đến mùa mưa lũ là đứa nào cũng buồn thiu, ngồi co ro trong nhà không dám đi đâu vì bốn bề mênh mông nước. Chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương cho di dời đến nơi an toàn hơn, song phải chờ đợi quá lâu”.
Theo UBND xã Phước Thuận, do địa phương nằm ở cuối nguồn sông Hà Thanh và giáp ranh với đầm Thị Nại, là điểm tiêu thoát lũ của các huyện phía Nam tỉnh nên có rất nhiều hộ dân sống trong vùng uy hiếp của thiên tai, bão lũ. Trên địa bàn xã hiện có 110 hộ gia đình với khoảng 350 nhân khẩu của 5 thôn đang sống ở các vùng nguy hiểm như vậy. Hầu như năm nào, địa phương cũng chịu nhiều thiệt hại về người và tài sản. Hầu hết những hộ dân sống trong vùng bị thiên tai đe dọa là những hộ thuộc diện nghèo khó, sống bằng nghề đánh bắt thủy sản ven bờ nên rất khó có điều kiện để tự di dời đến các địa điểm an toàn.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Tuy Phước, trước mùa mưa lũ năm nay, toàn huyện có 1.443 hộ với 6.027 nhân khẩu ở các xã Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng, Phước Thuận… nằm trong vùng nguy hiểm, cần phải được di dời, sơ tán đến vùng an toàn khi có mưa lũ lớn. Bên cạnh đó, dọc theo tuyến đê Đông có nhiều khu, cụm dân cư sinh sống, mỗi khi mưa lũ xảy ra, gặp lúc triều cường dâng cao, đe dọa đến tính mạng người dân ở các thôn Lộc Ninh, Lộc An, Lộc Đông, Nhân Ân, Quảng Vân (Phước Thuận); Vinh Quang, Dương Thiện, Lộc Thượng (Phước Sơn); Kim Đông, Tân Giảng, Huỳnh Giảng (Phước Hòa); An Lợi, Lạc Điền, Đông Điền (Phước Thắng)…
Những ngôi nhà trên đê Khu Đông Tuy Phước thường xuyên bị ảnh hưởng của triều cường, sóng biển mỗi khi mùa mưa bão đến. |
Từ nguồn vốn của tỉnh hỗ trợ và vốn ngân sách địa phương, UBND huyện Tuy Phước đang tiến hành xây dựng 2 khu TĐC vùng sạt lở tại thôn Quảng Vân, xã Phước Thuận và thôn Huỳnh Giảng, xã Phước Hòa, nhằm di dời các hộ dân sống trong vùng nguy hiểm. Trong đó, dự án TĐC thôn Quảng Vân có diện tích 4,3 ha, giai đoạn 1 gồm san lấp mặt bằng, làm đường giao thông, hệ thống điện, nước… có vốn đầu tư 5 tỉ đồng; giai đoạn 2 xây dựng bờ kè chống xói lở với vốn đầu tư 5 tỉ đồng.
Đến nay, việc san lấp mặt bằng khu TĐC vùng sạt lở thôn Quảng Vân đã cơ bản hoành thành, hệ thống đường giao thông được bê tông khá kiên cố, đảm bảo chỗ ở an toàn cho 110 hộ dân vùng thiên tai nguy hiểm của xã Phước Thuận. Các ngành chức năng của huyện cũng đã tiến hành kéo điện và đưa nước sạch đến khu TĐC. Tại khu TĐC thôn Quảng Vân đã có 31 hộ dân vùng sạt lở nguy hiểm được chính quyền địa phương ưu tiên xét giao đất, cấp sổ đỏ để xây dựng nhà và di dời đến sinh sống lâu dài.
Bên cạnh đó, huyện Tuy Phước cũng đã tiến hành xây dựng khu TĐC di dân vùng sạt lở thôn Huỳnh Giảng, xã Phước Hòa với diện tích trên 2 ha, TĐC cho trên 100 hộ dân vùng sạt lở trong xã. Trong năm nay, bên cạnh nguồn kinh phí của địa phương, Chính phủ đã hỗ trợ 1 tỉ đồng để san lấp mặt bằng, xây dựng các điều kiện hạ tầng thiết yếu để di dời người dân đến TĐC. Chính quyền địa phương đang tiến hành đền bù hoa màu cho người dân và đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.
Ông Nguyễn Bay, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước, cho biết: Bên cạnh việc di dời người dân đến các địa điểm TĐC, huyện cũng đã xây dựng các phương án sơ tán, di dân tạm thời khi mùa mưa lũ đến. UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”; ưu tiên tập trung di chuyển dân vùng thường bị ngập lũ, triều cường uy hiếp… lên vùng an toàn. Các xã, thị trấn thành lập các đội thanh niên xung kích có nhiệm vụ bảo vệ và kịp thời ứng cứu tính mạng, tài sản của nhân dân và các công trình phúc lợi xã hội trên địa bàn…