Náo nức hội đình làng An Thường
Đình làng An Thường có lịch sử khá lâu đời, tương truyền được hình thành và ban sắc phong thần dưới thời vua Tự Đức, gắn với những giai đoạn thăng trầm trong suốt chiều dài khai sinh và phát triển của làng An Thường. Làng An Thường được khai cơ từ năm 1471, thời vua Lê Thánh Tông mở cõi phương Nam, trên một vùng trung châu trù phú, lúc đó vốn tên An Long thuộc phường An Lâm, xã Ô Liêm, huyện Bồng Sơn. Năm 1602, chúa Nguyễn Hoàng đổi An Long thành An Thượng thuộc phủ Quy Nhơn. Năm 1802, vua Gia Long đổi thành An Thường thuộc tỉnh Bình Định. Năm 1946, nâng thôn An Thường thành xã. Năm 1948, nhập cùng xã Ái Hữu thành xã Ân Thạnh. Tháng 4.1999, chia thôn An Thường thành An Thường 1 và An Thường 2, là 2 trong 6 thôn của xã Ân Thạnh.
Năm 1846 cụ Trần Văn Thiều ở An Thường đậu cử nhân Hán học, làm quan Tham tri Lại bộ dưới triều vua Tự Đức, tên tuổi cụ được lưu tại đình như tấm gương khoa bảng đỗ đạt cho con cháu. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, An Thường là huyện lỵ của Hoài Ân, căn cứ kháng chiến của tỉnh và Liên khu V. Năm 1947, đình An Thường được dỡ bỏ thực hiện tiêu thổ kháng chiến, sau giải phóng, nhân dân trong làng đã đóng góp ngày công, vật liệu phục dựng lại đình với quy mô nhỏ, đình tiếp tục là điểm tín ngưỡng tâm linh và nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của không chỉ người dân 2 thôn An Thường 1, An Thường 2 mà còn là nơi đi về tâm linh của các thôn trong xã.
Cùng chung ý nguyện với bà con Ân Thạnh về bảo tồn và phát huy giá trị đình làng trong xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, gia đình liệt sĩ Trần Đình Châu đã đầu tư toàn bộ kinh phí phục dựng đình An Thường khang trang và quy mô hơn. Đình An Thường mới có tổng diện tích gần 3.000m2, được xây theo kiến trúc đình làng truyền thống trên nền vật liệu xây dựng mới. Ông Trần Đình Tân, người dân địa phương đồng thời là trưởng ban quản lý đình An Thường, cho biết: “Đình An Thường có vị trí quan trọng trong đời sống tín ngưỡng - tinh thần của bà con địa phương, việc đình được tài trợ xây dựng rộng, đẹp như hôm nay khiến lòng dân rất phấn khởi. Đình cũ có diện tích chưa đầy 100m2, khi phát động xây dựng đình mới, một số bà con địa phương có đất chung quanh đình đã tự nguyện hiến đất để mở rộng đình rộng rãi như ngày nay”. Ông Trần Hoài Nam, chủ đầu tư công trình phục dựng đình An Thường, con trai thứ 9 của liệt sĩ Trần Đình Châu bày tỏ: Ghi nhớ “công đức tiền nhân khai sơn phá thạch”, sau nghĩa trang liệt sĩ xã Ân Thạnh, cổng thôn văn hóa An Thường 2, miếu Thanh minh, chùa phật giáo Thường Quang, đình An Thường là sự tiếp tục những công trình văn hóa - tâm linh mà thế hệ con cháu gia đình liệt sĩ Trần Đình Châu đóng góp với tấm lòng “đồng tâm hậu thế xây đắp quê hương”.
Theo ông Đinh Bá Hòa, Giám đốc Bảo tàng tổng hợp tỉnh, đình An Thường có tổng thể kiến trúc khá hoàn chỉnh theo kiến trúc đình làng truyền thống của Bình Định nói riêng và đình làng Việt Nam nói chung, gồm đình và các công trình phụ như: bia ghi lịch sử đình, mái đình, sân đình, giếng nước, cây đa mấy trăm năm tuổi, các sắc phong, hoành phi, câu đối… Với giá trị lịch sử, văn hóa của mình, đình làng An Thường được công nhận là di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Đi liền với niềm vui khánh hạ đình làng, không khí hội làng An Thường lại tiếp nối bằng những đêm hát bội, để thấy giá trị cổ truyền luôn đồng hành trong nhịp sống mới…