A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

CÔNG TÁC GIẢM NGHÈO Ở VĨNH THẠNH: Chuyển biến từ nhận thức của người dân

Vĩnh Thạnh là một trong 61 huyện nghèo của cả nước được đầu tư thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP. Sau hơn hai năm thực hiện Chương trình này, công tác giảm nghèo ở Vĩnh Thạnh đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Trong đó, quan trọng nhất là nhận thức của người dân về xóa đói giảm nghèo đã được cải thiện đáng kể…

Thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, trong năm 2011, huyện Vĩnh Thạnh phân bổ 390 triệu đồng đầu tư hỗ trợ 100% giống, vật tư để xây dựng 13 mô hình khuyến nông, khuyến ngư. Kết quả, đến hết tháng 7.2011, đã có 470 lượt nông dân được tham gia trình diễn và tập huấn kỹ thuật; 220 hộ dân được hỗ trợ kinh phí. Hầu hết các mô hình này đã phát huy hiệu quả trong việc thay đổi cách làm, nếp sản xuất lâu nay của người dân. Nhiều mô hình đã giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất như mô hình sản xuất rau an toàn vụ Hè năm 2011 được triển khai tại thôn Định Trung, xã Vĩnh Quang với 8 hộ tham gia. Sau hơn 30 ngày trồng, rau đã bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu, các đợt tiếp theo cho sản phẩm liên tục, giúp người dân có lãi từ 2,6 triệu đồng/sào đối với giống dưa leo và trên 5,5 triệu đồng/sào với giống khổ qua.

Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi ba ba của hộ ông Lê Minh Phương (ở thôn An Nội, xã Vĩnh Thịnh). Nhìn những con ba ba được 50 ngày tuổi nổi lên trên bè tre giữa ao, ông Phương rất vui. Ba ba vẫn còn là vật nuôi quá xa lạ đối với người dân nơi đây. Trong khi đó, đàn gà giống Lương Phượng 500 con ở mô hình nuôi gà an toàn sinh học của hộ ông Nguyễn Văn Lẹ (ở thôn Định Thiền, thị trấn Vĩnh Thạnh) đã đến ngày xuất trại. Vừa cho gà ăn, ông Lẹ cho biết: “Có con đã nặng đến 2,5 kg đấy, chúng ăn nhiều và lớn nhanh”. 

Theo kết quả điều tra cuối năm 2006, huyện Vĩnh Thạnh còn 3.648 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 53,43%. Kết quả tổng điều tra cuối năm 2010, huyện còn 4.969 hộ nghèo theo chuẩn cũ, chiếm tỉ lệ 35%, giảm 18,43% so với cuối năm 2006.

 

Các cán bộ làm công tác giảm nghèo ở Vĩnh Thạnh cho chúng tôi biết, ngày xưa, mô hình khuyến nông, khuyến ngư nào thực hiện xong thì vẫn chỉ là “mô hình”, không thể nhân rộng vì bà con thờ ơ lắm. Giờ, khi có mô hình nào triển khai, họ đã biết chú ý lắng nghe hướng dẫn, chịu khó bắt tay vào làm, khi gặp khó khăn thì không ngại gọi điện hỏi cán bộ kỹ thuật để được hướng dẫn.

Theo ông Nguyễn Văn Long, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Vĩnh Thạnh, sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, nhận thức của người dân trong huyện đã có chuyển biến đáng kể. Người dân biết sử dụng đồng vốn hỗ trợ; đã xuất hiện nhiều điển hình lao động khát khao làm giàu. “Có thời, cán bộ phải đến từng hộ gia đình vận động người dân vay vốn. Vay xong, người dân mang tiền về bỏ ống tre treo góc bếp, khi đến hạn tự trả lãi, trả vốn mà không biết sử dụng sao cho hiệu quả. Giờ thì người dân Vĩnh Thạnh, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số, đã tự tìm nguồn vốn vay để đầu tư sản xuất; vay nguồn này không được, họ chuyển sang vay nguồn khác”- ông Long cho biết. 

Tuy nhiên, trên thực tế, công tác giảm nghèo ở Vĩnh Thạnh vẫn còn những khó khăn nhất định. Tỉ lệ hộ nghèo, nhất là trong cộng đồng dân tộc thiểu số, trên địa bàn huyện vẫn còn ở mức cao. Tình trạng thiếu việc làm và việc làm không ổn định, thu nhập thấp chưa được khắc phục triệt để.

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, huyện cũng gặp một số khó khăn khách quan. Tổng công ty Du lịch Sài Gòn được Chính phủ phân công hỗ trợ kinh phí xây 364 nhà cho hộ nghèo trên địa bàn Vĩnh Thạnh, với mức bình quân 15 triệu đồng/nhà. Tuy nhiên đến nay, Tổng công ty mới hỗ trợ 2,9 tỉ đồng để xây 194 nhà. Để đẩy nhanh tiến độ xây nhà cho hộ nghèo, UBND huyện phải vào cuộc, vận động các doanh nghiệp nhỏ trên địa bàn cùng đóng góp.

“Chúng tôi mong UBND tỉnh phân công một số doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả đang hoạt động trên địa bàn tỉnh giúp huyện để có sự đầu tư, trợ giúp thiết thực đối với công tác an sinh xã hội, góp phần giảm nghèo. Bên cạnh đó, cấp trên cũng cần sớm phê duyệt, phân bổ đội ngũ trí thức trẻ về huyện để huyện phân công xuống xã làm cán bộ chủ chốt nhằm giúp địa phương thực hiện có hiệu quả Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ”- ông Long bày tỏ.


Tin nổi bật Tin nổi bật