A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

MÔ HÌNH QUẢN LÝ RỪNG CỘNG ĐỒNG: Giúp bảo vệ rừng bền vững

Quản lý rừng cộng đồng là khái niệm mới và hoàn toàn lạ so với cách quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) lâu nay. Sau 3 năm triển khai thí điểm ở xã Tây Phú (huyện Tây Sơn), bước đầu, mô hình này mang lại hiệu quả thiết thực.

Tháng 11.2009, Dự án trồng rừng KFW6, do Chính phủ Đức tài trợ, đã triển khai mô hình thí điểm giao trên 364 ha rừng sản xuất cho cộng đồng dân cư thôn Phú Mỹ (xã Tây Phú) quản lý, bảo vệ và khai thác, nhằm quản lý lâu dài và bền vững diện tích rừng hiện có ở địa phương, đảm bảo lợi ích về môi trường và quyền lợi thu được của cộng đồng sống dựa vào rừng, khuyến khích người dân tiếp tục QLBVR có hiệu quả.  

Ông Nguyễn Văn Học, Trưởng thôn Phú Mỹ, cho biết: Trong giai đoạn mới tiếp nhận QLBVR, người dân gặp khó khăn do phải thường xuyên truy bắt những đối tượng khai thác rừng trái phép. Gần một năm sau, công tác này dần ổn định. Hiện nay, bước vào giai đoạn khai thác thí điểm, cộng đồng được hưởng nhiều cái lợi: Người dân có công ăn việc làm; việc khai thác tỉa tạo điều kiện cho rừng phát triển bền vững, vừa đảm bảo phát triển hệ sinh thái rừng, vừa giữ được mạch nước ngầm cho sản xuất nông nghiệp.

So với trước đây rừng được Nhà nước quản lý một cách tổng thể, thì hình thức giao cho cộng đồng quản lý, bảo vệ và khai thác có hiệu quả thiết thực hơn. Cộng đồng đã xây dựng quy ước bảo vệ và tổ chức khai thác hợp lý nên hạn chế được tình trạng chặt phá, khai thác rừng trái phép; công tác phòng cháy, chữa cháy rừng được đảm bảo; diện tích rừng cần bảo vệ hàng năm phát triển ổn định. Ngoài ra, sản phẩm rừng phục vụ cho nhu cầu cần thiết của người dân trong thôn. Với nguồn lợi thu được từ rừng, có thể trích lập thành quỹ để phục vụ cho các hoạt động chung, với sự thống nhất của cộng đồng. Sau khi được Nhà nước giao rừng, cấp sổ đỏ, người dân thực sự được công nhận là chủ rừng và phát huy quyền làm chủ trong công tác tự quản lý, tự giám sát và bảo vệ để rừng phát triển bền vững. Phương pháp này được cộng đồng ủng hộ, hưởng ứng.

Mới đây, Ban Quản lý Dự án đã hướng dẫn cộng đồng thôn Phú Mỹ tổ chức khai thác thí điểm 20/364 ha rừng do cộng đồng quản lý. Đến nay, đội thợ đã khai thác xong và sau khi sơ chế, đã cho ra 25,8 m3 gỗ xẻ các loại. Một phần số gỗ này đáp ứng nhu cầu của dân cư trong cộng đồng, số còn lại được thống nhất đưa ra đấu giá bán gỗ thương mại. Số tiền thu hoạch từ sản phẩm rừng do cộng đồng thôn quản lý và sử dụng dưới sự giám sát của tập thể dân cư trong thôn.

Từ những kết quả đạt được qua mô hình quản lý rừng cộng đồng, năm 2011, Chương trình trồng rừng Việt Đức tiếp tục đưa vào huyện Tây Sơn hai mô hình quản lý 505 ha rừng cộng đồng tại hai thôn Tiên Thuận và Hòa Thuận của xã Tây Thuận. Hiện Ban Thực hiện Dự án đang điều tra trữ lượng rừng để giao cho cộng đồng.


Tin nổi bật Tin nổi bật