Triển khai thực hiện Nghị quyết 30a/NQ-CP tại An Lão: Giúp người dân thoát nghèo bền vững
Chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng
Theo UBND huyện An Lão, từ năm 2009 đến nay, từ nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ và các nguồn vốn khác, huyện đã đầu tư trên 197 tỉ đồng để phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ xóa nhà tạm đơn sơ, đào tạo nghề, cung cấp các loại giống cây trồng, vật nuôi cho nhân dân địa phương phát triển sản xuất. Chỉ tính riêng trong năm 2011, nguồn vốn NQ 30a của Chính phủ đã hỗ trợ huyện An Lão 49 tỉ đồng xây dựng các hạng mục công trình cơ bản như: đường giao thông, kênh mương thủy lợi, trường học, trạm y tế, giao khoán quản lý bảo vệ rừng…
Huyện đã khởi công hàng chục công trình hạ tầng nông thôn với số vốn đầu tư trên 30,1 tỉ đồng, gồm xây dựng cầu Gò Dài (xã An Hòa); xây dựng đường giao thông từ thôn 5 đến thôn 6 xã An Vinh; đường giao thông từ thôn 2 đến thôn 1 xã An Toàn; đường giao thông vào khu sản xuất tập trung xã An Hòa; bê tông hóa hệ thống kênh mương sông Xang (xã An Quang)… Đến nay, nguồn kinh phí xây dựng cơ bản đã được giải ngân tại Kho bạc Nhà nước trên 30,13 tỉ đồng/49 tỉ đồng, đạt 61,49% kế hoạch vốn giao năm 2011.
Bên cạnh đó, từ nguồn vốn sự nghiệp được tỉnh phân bổ trong năm nay (6,95 tỉ đồng), huyện đã triển khai hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, hỗ trợ hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hỗ trợ phát triển chăn nuôi, giống cây lâm nghiệp... Huyện An Lão cũng đã tiến hành quy hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp tại các xã: An Quang, An Trung, An Hưng, An Dũng, An Vinh, An Nghĩa, An Toàn; hỗ trợ khai hoang diện tích 3 ha tại xã An Quang để cấp đất sản xuất cho người dân địa phương…
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch UBND huyện An Lão, cho biết: “Việc triển khai các chương trình về đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất theo NQ 30a của Chính phủ trên địa bàn huyện đã mang lại những kết quả khả quan, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất. Nhờ vậy, nông dân trong huyện đã dần thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, biết sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi tốt trong sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng; nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu”.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện NQ 30a
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai NQ 30a trên địa bàn huyện An Lão còn gặp một số khó khăn cần tháo gỡ như nhu cầu vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội hàng năm cho địa phương còn thiếu so với yêu cầu. Một số nội dung, cơ chế, chính sách của NQ 30a còn bất cập: Cơ sở hạ tầng ở thị trấn không được Nhà nước đầu tư; việc hỗ trợ giống cây trồng chỉ thực hiện mỗi năm một lần; Trung ương và tỉnh chưa giao chỉ tiêu biên chế chính thức về cán bộ theo dõi chuyên trách NQ 30a; trình độ năng lực cán bộ xã còn hạn chế nên việc chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện còn lúng túng, chưa thu hút được sự tham gia của người dân…
Trước tình hình trên, ngày 20.9, đoàn công tác của tỉnh, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Thu Hà dẫn đầu đã làm việc với lãnh đạo huyện An Lão về triển khai thực hiện NQ 30a tại địa phương và đi kiểm tra một số công trình xây dựng trên địa bàn các xã An Toàn, An Hòa.
Tại buổi làm việc, UBND huyện An Lão đã đề nghị Chính phủ và UBND tỉnh nâng mức đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và nguồn vốn sự nghiệp theo NQ 30a; xem xét cho thị trấn An Lão được hưởng các chính sách đầu tư như các xã thuộc NQ 30a; tiếp tục hỗ trợ xây dựng 688 ngôi nhà của hộ nghèo theo Quyết định 167 của Chính phủ; tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo nghề trên địa bàn huyện.
Sau khi đi kiểm tra tại một số địa phương, nghe báo cáo tình hình thực hiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Thu Hà đã ghi nhận những kết quả đạt được từ việc triển khai NQ 30a của Chính phủ. Phó Chủ tịch yêu cầu huyện An Lão tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng được đầu tư từ nguồn vốn 30a; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ ở cơ sở, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho hộ nghèo; lựa chọn các phương thức hỗ trợ trực tiếp vốn, giống cây trồng, vật nuôi cho người dân phát triển sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đồng thời, tăng cường giao khoán cho người dân địa phương quản lý bảo vệ rừng; lựa chọn các phương thức hỗ trợ trực tiếp vốn, giống cây trồng, vật nuôi cho người dân phát triển sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; xem xét ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình phục vụ sản xuất và sinh hoạt, giúp người dân thoát nghèo bền vững.
Về những kiến nghị của địa phương, Phó Chủ tịch Trần Thị Thu Hà đã chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương có biện pháp tháo gỡ kịp thời. Trong đó, cần chú trọng việc chọn các mô hình trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả để nhân rộng; tăng cường giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho người dân; chọn lựa các mô hình phát triển kinh tế dưới tán rừng phù hợp giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống…