A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hoài Nhơn: Phát huy thế mạnh kinh tế thủy sản

Với tiềm năng và lợi thế sẵn có, trong nhiều năm qua, huyện Hoài Nhơn đã quan tâm đầu tư phát triển mạnh kinh tế thủy sản (KTTS) và đã đạt được nhiều kết quả. Hiện nay, huyện tiếp tục xác định KTTS là mũi nhọn chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội.

Nằm trên địa bàn thuận lợi cả về khai thác, nuôi trồng, chế biến và hậu cần nghề cá, trong những năm qua, KTTS Hoài Nhơn đã thu được nhiều kết quả khả quan. Từ năm 1997, khi Nhà nước phát động chương trình khai thác xa bờ, ngư dân Hoài Nhơn đã mạnh dạn đầu tư đóng mới tàu thuyền, trang bị các loại máy móc hiện đại để vươn ra khơi xa khai thác. Đến nay, đội tàu thuyền của Hoài Nhơn có 2.316 tàu, công suất trên 278 ngàn CV, tăng trên 1.000 tàu so với trước năm 2007. Đáng chú ý, bình quân mã lực trên mỗi phương tiện tăng lên đáng kể, số tàu có công suất từ 90 CV trở lên chiếm 51,3 %, nên cơ cấu nghề nghiệp đã thay đổi theo hướng tích cực. Phần lớn tàu có công suất trên 90 CV đã chuyển sang đánh bắt xa bờ, với các nghề câu cá ngừ đại dương, câu mực, lưới vây, lưới cản khơi… Nhờ đó, các nghề khai thác ven bờ và vùng lộng đã giảm đáng kể, nguồn lợi hải sản không những được bảo vệ tốt mà hiệu quả khai thác cũng được nâng lên đáng kể. 

Để khắc phục khó khăn do chi phí tăng cao, bà con ngư dân Hoài Nhơn đã xây dựng các tổ đoàn kết trong khai thác xa bờ. Đến nay, ngư dân đã thành lập được gần 100 tổ đoàn kết KTTS trên biển, mỗi tổ có từ 4-5 tàu hoạt động cùng nghề, cùng ngư trường, cùng hỗ trợ nhau trong việc dò tìm ngư trường, trong hoạn nạn và thay phiên vận chuyển sản phẩm vào bờ… Với cách làm này, hiệu quả kinh tế đem lại cao và ngư dân cũng an tâm hơn khi phải đối mặt với sóng nhồi, bão táp. Từ năm 2007 đến nay, trung bình mỗi năm huyện đã khai thác được trên 30.000 tấn hải sản các loại, trong đó có 3.000 tấn cá ngừ đại dương.

Trong lĩnh vực nuôi trồng, huyện cũng thu được nhiều kết quả. Hoài Nhơn đã triển khai nuôi trồng thủy sản theo hướng đa dạng hóa loại hình và đối tượng nuôi, như: tôm trên cát, tôm công nghiệp, nhuyễn thể, rong sụn, tôm càng xanh, cá chim trắng…. nhằm hạn chế dịch bệnh phát sinh. Hiện nay, toàn huyện có 314 ha mặt nước nuôi tôm, năng suất bình quân đạt 6,5 tấn /ha, tăng 0,9 tấn/ha so với năm 2010. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có trên 354 ha mặt nước nuôi trồng các loại thủy sản nước ngọt, sản lượng đạt trên 550 tấn/năm…

Đầu ra thủy sản ở Hoài Nhơn cũng khá thông thoáng, nhờ Công ty cổ phần thủy sản Hoài Nhơn đảm nhận tốt trách nhiệm “bà đỡ” cho nghề cá huyện nhà. Đến nay, Công ty đã phát triển quy mô sản xuất kinh doanh lên gấp 4 lần so với năm 2005, với nhiều ngành nghề từ thu mua, chế biến thủy sản, đến hoạt động đóng tàu, dịch vụ hậu cần nghề cá… Hoạt động chế biến nước mắm ở Hoài Nhơn cũng phát triển mạnh với 6 cơ sở sản xuất có quy mô lớn và gần 50 hộ sản xuất nhỏ, tổng sản lượng chế biến mỗi năm là 2,5 triệu lít, tăng bình quân 20%/năm… Ngoài ra, các cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, cung ứng xăng dầu, ngư lưới cụ, thu mua hải sản… cũng đã giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho hàng ngàn lao động ở các địa phương ven biển.

Tuy vậy, KTTS của Hoài Nhơn vẫn đang đối mặt với không ít thách thức mới. Đó là yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng của thị trường xuất khẩu thủy sản; thời tiết diễn biến bất thường, gây biến động môi trường sống của tôm nuôi và ảnh hưởng đến hoạt động khai thác; kết cấu hạ tầng phục vụ cho hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản vẫn chưa hoàn thiện. Ngoài ra, là vấn đề ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, thiếu đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật chuyên ngành... Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015, huyện Hoài Nhơn tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của ngành KTTS trong chiến lược phát triển kinh tế của huyện. Ông Phan Văn Tâm, Chánh Văn phòng UBND huyện, cho biết: Huyện đang tập trung đầu tư phát triển KTTS cả về khai thác, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ hậu cần. Trong đó, sẽ khuyến khích ngư dân đầu tư vốn nâng cao năng lực khai thác hải sản xa bờ, phát triển đa nghề để tăng hiệu quả kinh tế; nhân rộng các tổ đoàn kết đánh bắt trên biển. Huyện cũng đang tập trung phát triển các dịch vụ hậu cần nghề cá, cơ sở chế biến hải sản, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, huyện sẽ bổ sung quy hoạch, mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản ở những vùng có điều kiện, nhất là mở rộng diện tích nuôi cá nước ngọt trên các hồ, đập, ven sông; đa dạng con nuôi và hình thức nuôi. Theo đó, mục tiêu mà huyện đặt ra đối với KTTS trong giai đoạn 2011-2015 là đạt mức tăng trưởng bình quân 7,5%/năm.


Tin nổi bật Tin nổi bật