A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đổi thay ở một ngôi làng vùng cao

Làng O5 (xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh) có 110 hộ với 467 nhân khẩu thuộc dân tộc Bana. Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và nỗ lực vươn lên của người dân nơi đây, nên đời sống của dân làng O5 không ngừng được cải thiện.

Những năm đầu mới định cư, đồng bào Bana làng O5 vẫn duy trì nhiều tập tục lạc hậu như du canh, du cư, săn bắn; lúc đau ốm dùng lá rừng điều trị… Trước tình hình này, từ năm 1998 đến nay, làng O5 luôn nhận được sự quan tâm đầu tư lớn của Đảng và Nhà nước để giúp đồng bào định canh, định cư ổn định, cải thiện cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, phải kể đến nguồn vốn của Chương trình 135 giai đoạn I và II, cùng nhiều chương trình, dự án khác để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, các công trình thủy lợi, nhà sinh hoạt cộng đồng… đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Để nguồn vốn đầu tư của Nhà nước phát huy hiệu quả, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã chọn 6 đảng viên sinh hoạt trong Chi bộ của làng làm nòng cốt giúp đồng bào tổ chức sản xuất theo phương thức cầm tay chỉ việc. Cách làm này đem lại hiệu quả thiết thực, nhờ vậy, cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng ổn định và phát triển.

Ông Đinh Tuy, Trưởng làng O5, cho biết: Hiện nay, diện tích đất sản xuất của làng có 216 ha, trong đó, diện tích lúa rẫy 88 ha, diện tích cây trồng cạn 80 ha… đều cho năng suất cao hơn trước; tổng đàn gia súc có 440 con; có 0,5 ha ao hồ nuôi cá nước ngọt để cải thiện bữa ăn. Nhiều hộ hiện đã biết lập vườn đồi, đào ao thả cá, chăn nuôi gia súc, gia cầm, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Điển hình như hộ bok Tiết, có 10 con trâu, bò, 2 ha rừng kinh tế, 1 ha lúa rẫy, 2 ha điều; 0,1 ha ao hồ thả cá… hàng năm đem lại thu nhập khá.

Nhờ chính quyền và các đoàn thể ở địa phương tích cực tuyên truyền, vận động, người dân nơi đây đã có nhận thức đúng trong việc bảo vệ rừng cũng như khai thác hiệu quả nguồn lợi từ rừng. Cả làng có 70 hộ đăng ký tham gia trồng rừng và nhận bảo vệ rừng, góp phần tăng thu nhập cho gia đình.

Nhờ phát triển sản xuất tạo ra nhiều hàng hóa nông lâm nghiệp mà các dịch vụ thương mại đã bắt đầu có mặt ở làng O5, phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và tạo điều kiện để giao lưu hàng hóa, phá dần thế tự cung tự cấp. Bên cạnh đó, đường ô tô từ xã đi qua làng đã bê tông hóa được 3,5 km, tạo thuận lợi cho dân làng trong giao thương, phát triển kinh tế.

Về văn hóa - xã hội, từ chỗ cả làng chỉ có vài người biết đọc, biết viết, đến nay, đa số người trong độ tuổi trung niên đều biết đọc, biết viết; 80% trẻ em trong độ tuổi được đến trường. Các gia đình đều có ý thức cho con em đi học để nâng cao trình độ. Lúc đau ốm, bà con đã đến các cơ sở y tế để điều trị. Đa số các hộ đều có công trình vệ sinh. Làng có 110 hộ thì có tới 90 xe máy, 100 ti vi. Hầu hết các hộ đều hưởng ứng Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, làm công trình vệ sinh, chuồng trại xa nhà, giữ vệ sinh môi trường.  

Có thể nói, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, cùng nỗ lực phá thế độc canh cây lúa, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế của người dân đã và đang tạo ra những chuyển biến tích cực ở làng O5.


Tin nổi bật Tin nổi bật