Xây dựng xã nông thôn mới: Nhìn từ Nhơn Lộc
Nhơn Lộc nằm ở phía Tây Nam của huyện An Nhơn, gần quốc lộ 19, có đường phía Tây tỉnh đi qua địa bàn xã. Toàn xã có tổng diện tích tự nhiên 1.228 ha, dân số 9.552 người, với 2.334 hộ, phân bố ở 6 thôn. Với đặc thù là một xã thuần nông, nhiều năm qua, Đảng bộ và chính quyền địa phương đã tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xúc tiến phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN)… tạo đòn bẩy để phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất của xã hàng năm đạt 11,75%, cơ cấu kinh tế có bước chuyển biến theo hướng bền vững, trong đó, nông - lâm nghiệp chiếm tỉ trọng 59,09%; công nghiệp (CN) - TTCN, thương mại và dịch vụ (TM-DV) chiếm 40,91%. Thu nhập bình quân năm 2010 ở Nhơn Lộc đạt mức 18 triệu đồng/người/năm, tăng 7,5 triệu đồng/người/năm so với năm 2005.
Điều đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế ở xã Nhơn Lộc là lĩnh vực nông nghiệp phát triển khá toàn diện, trong đó, hiệu quả và giá trị sản xuất được nâng lên rõ rệt. Tổng giá trị sản xuất ngành nông - lâm nghiệp trong năm 2010 đạt 33,2 tỉ đồng, tăng gần 10 tỉ đồng so với năm 2005. Giá trị sản xuất trên diện tích canh tác bình quân của xã đạt 60 triệu đồng/ha/năm, tăng 28 triệu đồng/ha/năm so với 5 năm trước. Phong trào làm kinh tế trang trại, gia trại phát triển mạnh. Toàn xã hiện có 22 trang trại trồng trọt, chăn nuôi tổng hợp, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi hàng năm tăng 10,55%, chiếm tỉ trọng 51,26% trong nội bộ ngành nông nghiệp của xã.
Bên cạnh đó, sản xuất CN-TTCN của xã tiếp tục phát triển khá, tăng trưởng bình quân hàng năm đạt trên 21%. Nếu năm 2005, giá trị sản xuất CN-TTCN toàn xã chỉ đạt 8,5 tỉ đồng thì đến năm 2010 đạt 22,1 tỉ đồng, tăng 2,5 lần. Lĩnh vực TM-DV cũng có bước phát triển ấn tượng, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 24,8%. Toàn xã có gần 60 cơ sở sản xuất, kinh doanh, trong đó, có 30 cơ sở sản xuất gạch ngói, sản lượng hàng năm khoảng 10 triệu viên.
Xã Nhơn Lộc có 3 làng nghề truyền thống được tỉnh công nhận làng nghề gồm: làng nghề nấu rượu Bàu Đá thôn Cù Lâm, làng nghề sản xuất bánh tráng thôn Trường Cửu, làng nghề đan lát thôn Đông Lâm. Các làng nghề này tạo việc làm ổn định cho hơn 1.000 lao động ở địa phương, với thu nhập trên 1,5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Cao Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Nhơn Lộc, cho biết: Qua kết quả điều tra đánh giá thực trạng nông thôn theo 19 tiêu chí NTM, đến nay, xã Nhơn Lộc đã đạt được 12/19 tiêu chí. Còn 7 tiêu chí chưa đạt, xã đang phấn đấu thực hiện để đến năm 2013 sẽ cơ bản hoàn thành, đạt chuẩn xã NTM điển hình đầu tiên của tỉnh. Hiện nay, chính quyền địa phương đang phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế tiến hành quy hoạch chung công tác xây dựng NTM đến năm 2020. Bên cạnh đó, xã cũng tranh thủ sự đầu tư của các cấp và thông qua các chương trình, dự án lồng ghép để tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Về nhu cầu vốn đầu tư, ước tính tổng vốn đầu tư xây dựng NTM xã Nhơn Lộc từ nay đến năm 2020 trên 178 tỉ đồng. Trong đó, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, môi trường gần 98 tỉ đồng; đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất 53 tỉ đồng; đầu tư phát triển sản xuất trên 27 tỉ đồng. Phân kỳ đầu tư: giai đoạn 1 (từ năm 2011-2015) kinh phí thực hiện trên 160 tỉ đồng, giai đoạn 2 (từ năm 2016-2020) gần 18 tỉ đồng.
Mới đây, đồng chí Nguyễn Văn Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và đoàn công tác của tỉnh đã kiểm tra công tác quy hoạch xây dựng NTM của xã Nhơn Lộc. Sau khi nghe các sở, ban, ngành chức năng, lãnh đạo địa phương đóng góp các ý kiến về phát triển quy hoạch chung xã NTM, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thiện đã lưu ý đơn vị tư vấn thiết kế, chính quyền địa phương phải xác định rõ các thế mạnh phát triển kinh tế - xã hội của xã Nhơn Lộc để quy hoạch gắn với tổng thể phát triển chung của thị xã An Nhơn trong thời gian tới. Việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cần ưu tiên các dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống đường giao thông liên xã, hệ thống thủy lợi, lưới điện, xây dựng các công trình vệ sinh công cộng, đào tạo nghề cho lao động nông thôn… Chính quyền địa phương phải công bố bản quy hoạch chung cho người dân trong xã biết để góp ý kiến tham gia, nhằm có sự điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế xây dựng NTM tại địa phương.