A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thị xã An Nhơn lên thành phố trước 2025

BÌNH ĐỊNH-Thị xã An Nhơn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng vào hạ tầng, phát triển kinh tế, quy hoạch để được công nhận thành phố trước năm 2025.

Thị xã An Nhơn cách TP Quy Nhơn gần 20 km về phía tây bắc, được thành lập năm 2011, hiện là đô thị loại 3 với 5 phường và 10 xã. Cuối năm 2022, tỉnh Bình Định có kiến nghị nâng cấp An Nhơn lên thành phố vào năm 2025. Gần đây, địa phương này đặt mục tiêu đẩy nhanh quá trình phát triển để công nhận trước hạn, dự kiến năm 2024.

Tổng mức đầu tư các công trình đến cuối năm 2022 đạt 3.363 tỷ đồng. Địa phương tập trung hoàn thành và triển khai các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để mở rộng không gian đô thị. Hơn 40 km đường giao thông kết nối các xã, phường được nâng cấp kéo theo sự hình thành của các khu đô thị, khu dân cư mới.

Một góc thị xã An Nhơn. Ảnh: Nguyễn Dũng

 

Theo ông Mai Việt Trung - Bí thư Thị ủy An Nhơn, để sớm trở thành thành phố trước năm 2025, địa phương triển khai điều chỉnh quy hoạch chung đô thị đến năm 2035, có quy chế quản lý kiến trúc đô thị. An Nhơn tiếp tục huy động, cân đối các nguồn vốn đầu tư vào hạ tầng kinh tế, xã hội. Địa phương dự kiến thành lập các phường dựa trên 6 xã hiện hữu. Đề án thành lập các phường và thành phố An Nhơn hoàn thành và trình phê duyệt cuối năm 2023.

Cũng theo lãnh đạo địa phương, việc phát triển quỹ đất đi đôi với quá trình đầu tư, xây dựng các khu đô thị trung tâm, gắn với không gian giữa đường sắt Bắc - Nam, tuyến tránh quốc lộ 1. Trung tâm các xã, cụm xã sẽ được chỉnh trang, nâng cấp hạ tầng. Địa phương thúc đẩy đầu tư hoàn chỉnh, kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp An Trường, An Mơ, Đồi Hỏa Sơn, Nhơn Tân 1... để thu hút các ngành nghề sản xuất công nghệ cao, ít ô nhiễm môi trường.

Theo UBND Bình Định, An Nhơn đang là đô thị vệ tinh của TP Quy Nhơn và là trung tâm giao lưu kinh tế, văn hóa xã hội ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Thị xã được đánh giá có hệ thống giao thông rất thuận lợi, với quốc lộ 1, quốc lộ 19 và đường sắt Bắc - Nam. Nơi đây cũng có dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông và cao tốc Quy Nhơn - Pleiku (Gia Lai) đi qua.

An Nhơn từ chỗ kinh tế dựa vào nông nghiệp, chiếm trên 70 %, đến nay giá trị công nghiệp và xây dựng đã chiếm tỷ trọng 67,87 %, thương mại và dịch vụ chiếm 21,5 %, nông- lâm- thủy sản còn 11%. Nhiều năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân từ 15-17%, riêng năm 2022 đạt 16,56%, Ngoài khu công nghiệp Nhơn Hòa, thị xã xây dựng 12 cụm công nghiệp, gắn với khôi phục và phát triển 28 làng nghề truyền thống.

Trong 9 tháng năm nay, kinh tế thị xã giữ đà tăng trưởng. Tổng giá trị sản xuất ước đạt trên 18.690 tỷ đồng, tăng 16,93% so cùng kỳ. Tổng giá trị sản phẩm ước đạt trên 16.477 tỷ đồng, tăng 6,5% so cùng kỳ. An Nhơn cũng triển khai thi công nhiều công trình, dự án lớn về giao thông, đô thị.

Tỉnh Bình Định hiện có một thành phố trực thuộc là Quy Nhơn. Thành phố này được công nhận năm 1986, thuộc tỉnh Nghĩa Bình cũ (nay là Bình Định và Quảng Ngãi). Năm 1989, tỉnh Bình Định được tái lập, chọn TP Quy Nhơn là trung tâm. Thành phố được công nhận đô thị loại 2 năm 1998 và thành đô thị loại 1 năm 2010.


Tác giả: Hoài Phương
Nguồn:VnExpress.net Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật