A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thị xã An Nhơn: Tập trung giảm nghèo và giải quyết việc làm giai đoạn 2011-2015

Kỳ họp thứ 3 Hội đồng nhân dân thị xã An Nhơn khóa X đã ra Nghị quyết thông qua Đề án: đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo của thị xã giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020, với mục tiêu đến năm 2015 tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3,5% và sẽ có 9.000 lao động được đào tạo nghề, truyền nghề và bồi dưỡng nghề. Tỉ lệ có việc làm sau khi học nghề tối thiểu 80%.

Thực hiện Nghị quyết, thị xã đã tập trung củng cố Ban Chỉ đạo giảm nghèo và giải quyết việc làm (GQVL) các cấp, triển khai Đề án, tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, nhân dân nâng cao nhận thức tập trung phát triển kinh tế -xã hội gắng với chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững. Trong những năm qua thị xã An Nhơn đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội và các kênh tín dụng khác lên đến hàng trăm tỉ đồng để đầu tư phát triển kinh tế GQVL. Riêng trong năm 2011 có 7.300 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay trên 194 tỉ đồng, đầu tư vào phát triển chăn nuôi, trồng trọt, làm nghề truyền thống, trồng rừng, đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Công tác đào tạo nghề, GQVL cũng được địa phương hết sức chú trọng, thị xã chỉ đạo Trung tâm giáo dục thường xuyên hướng nghiệp dạy nghề cho học sinh phổ thông; phối hợp với các xã, phường mở các lớp đào tạo nghề thú y, may công nghiệp, điện dân dụng, chạm khắc gỗ, khảm xà cừ, chằm nón lá, đan mây tre lá… cho hàng trăm lao động, các lao động sau khi học nghề đều tìm được việc làm với mức thu nhập ổn định bảo đảm cuộc sống. Ngoài ra, các điểm, cụm công nghiệp (Gò Đá Trắng, phường Đập Đá; Thanh Liêm, xã Nhơn An; Bình Định, phường Bình Định, Tân Đức, xã Nhơn Mỹ, Nhơn Hòa, phường Nhơn Hòa) hiện thu hút gần 4.500 lao động ở địa phương vào làm việc với nghề: chế biến bột nhang, làm nhang xuất khẩu, mây tre lá mỹ nghệ, sản xuất bao bì, chế biến gố, đá, chế biến hàng nông sản, nghề đúc kim loại…

Là địa phương có nhiều làng nghề truyền thống, với 28 làng nghề thì đã có 24 làng nghề đạt các tiêu chí được UBND tỉnh ra Quyết định công nhận làng nghề, hiện các làng nghề giải quyết trên 7.000 lao động nông thôn có việc làm thường xuyên. Thị xã còn đầu tư hàng trăm triệu đồng cho các dự  khuyến nông, khuyến ngư, khuyến lâm, hổ trợ giống lúa lai, giống thủy sản, giống gia cầm, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hộ nghèo phát triển sản xuất, như: chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, nuôi bò vỗ béo, nuôi cá trong ruộng lúa, nuôi cá lồng trên hồ chứa nước Núi Một, sản xuất rau an toàn, thâm canh lúa lai năng suất cao; thâm canh lúa theo phương pháp 3 giảm, 3 tăng…

 Đào tạo nghề khảm xả cừ cho lao động nghèo tại Công ty TNHH Hồng Hà.

Hộ nghèo còn được quan tâm chăm sóc y tế, giáo dục, nhà ở. Ông Võ Đức Giảng, Phó phòng Lao động – TBXH thị xã An Nhơn, Cho biết: Thực hiện Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ, về xóa nhà ở đơn sơ cho hộ nghèo, trong 3 năm 2009-2011 Thị xã đã hổ trợ kinh phí trên 1,7 tỉ đồng (Trung ương hổ trợ 642 triệu đồng, tỉnh hơn 58 triệu đồng, quỹ vì người nghèo thị xã 970 triệu đồng và 90 triệu đồng các tổ chức xã hội doanh nghiệp hổ trợ) đã xây dựng 101 ngôi nhà tặng cho hộ nghèo, mua cấp 9.182 thẻ bảo hiểm y tế và hổ trợ 50% mệnh giá BHYT cho 11.520 thành viên hộ cận nghèo. Hổ trợ chi phí học tập cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hổ trợ tiền điện, miễn giảm thuế nhà đất v.v… Nhờ triển khai có hiệu quả chính sách an sinh xã hội đã giúp hộ nghèo phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo. Năm 2011, tỉ lệ hộ nghèo toàn Thị xã 6,65%, giảm 1,35% so năm 2010.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo giảm nghèo và GQVL của thị xã An Nhơn, để tiếp tục thực hiện Đề án và hoàn thành mục tiêu giảm nghèo và GQVL đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Thị xã ra sức phấn đấu hàng năm giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 1 – 2%, tạo việc làm ổn định và đa dạng hoạt động thu nhập cho lao động nghèo; tăng thu nhập bình quân đầu người của các hộ nghèo lên từ 2 đến 3 lần, bảo đảm 100% hộ nghèo có nhà ở đơn sơ được hổ trợ làm nhà ở, sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh, có 80% hộ cận nghèo tham gia mua BHYT; tuyên truyền, tư vấn học nghề và giới thiệu việc làm cho người lao động, nhất là lao động nông thôn, đa dạng hóa các hình thức dạy nghề phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động, nhằm giải quyết việc làm sau đào tạo, kể cả xuất khẩu lao động…


Tin nổi bật Tin nổi bật