TRIỂN KHAI CÁC CHÍNH SÁCH ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN KT-XH CỦA NHÀ NƯỚC: An Lão ngày càng khởi sắc
Xây dựng nhà ở cho hộ nghèo từ các nguồn vốn hỗ trợ.
Trong hơn 10 năm qua, huyện An Lão được ngân sách Trung ương hỗ trợ trên 397,7 tỷ đồng để đầu tư thực hiện 161 công trình giao thông, thủy lợi, giáo dục, dân dụng... Nhờ đó, 100% khu dân cư, bản làng có điện lưới quốc gia phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt và có đường bê tông đến tận thôn, xóm. Hệ thống trường học, trạm y tế, điện sinh hoạt, thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng khang trang. Các xã đã tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát huy thế mạnh từng vùng, áp dụng KHKT; thực hiện 26 mô hình khuyến nông - khuyến lâm như: Mô hình nuôi chình; trồng cây ăn quả; nuôi ong lấy mật; nuôi gà sinh học; duy trì và phát triển đàn heo đen tại địa phương… Các mô hình cơ bản đáp ứng được nhu cầu của nhân dân, phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên của từng địa bàn, góp phần giúp bà con thoát nghèo bền vững.
Cùng với kinh phí từ ngân sách nhà nước, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DN cũng đã tham gia, đồng hành và hỗ trợ mạnh mẽ về nguồn lực vật chất cho huyện An Lão. Thời gian qua, các đơn vị đã hỗ trợ hơn 51,8 tỷ đồng để xóa nhà tạm, hỗ trợ về giáo dục, y tế, an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân trên địa bàn. Toàn huyện đã có 819 nhà ở được hỗ trợ sửa chữa và xây dựng mới…
Ngoài các chính sách triển khai theo Nghị quyết 30a, trên địa bàn huyện cũng đang thực hiện các chương trình giảm nghèo khác như: Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và các chính sách cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Từ nguồn vốn được hỗ trợ, huyện đã thực hiện giao khoán bảo vệ rừng với diện tích 22.737,7 ha cho 2.169 hộ, tạo điều kiện để người dân tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo và nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; giảm thiểu đáng kể tình trạng phá rừng, đốt rừng làm nương rẫy.
Hàng năm, huyện đã hỗ trợ đào tạo, tập huấn; xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông, lâm thủy sản cho nông dân. Nhờ đó, các hoạt động thương mại, dịch vụ được mở rộng, nhiều cơ sở kinh doanh mới được thành lập, hệ thống chợ được đầu tư và đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả, đáp ứng tương đối đầy đủ nhu cầu đời sống, sản xuất của nhân dân. Mạng lưới trường lớp trên địa bàn cơ bản đảm bảo dạy và học, phòng học được kiên cố hóa từng bước, trang thiết bị dạy học được mua sắm để phục vụ tốt hơn cho việc dạy và học. Huyện đã thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách đối với học sinh dân tộc thiểu số, học sinh nghèo, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp, tỷ lệ hộ nghèo của huyện An Lão giảm từ 59,9% (năm 2016) xuống còn 36,3% (năm 2019) theo chuẩn mới. Tỷ lệ người dân có thẻ BHYT đạt 100%; 100% xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế; 97,1% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh…
Chủ tịch UBND huyện An Lão Phạm Văn Nam cho biết: “Tuy địa phương còn nhiều khó khăn song nhờ triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách giảm nghèo, đã giúp người dân có cơ hội phát triển sản xuất. Từ đó, nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tin tưởng vào Đảng, Chính phủ, chung sức cùng chính quyền phát triển KT-XH, từng bước thoát nghèo. Những năm tiếp theo, huyện An Lão tiếp tục nỗ lực, phấn đấu để hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch của Nghị quyết 30a. Riêng trong năm 2020, toàn huyện phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 26,9%”.
Theo THY PHƯƠNG (baobinhdinh.com.vn)