A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tuy Phước chú trọng nâng cao tay nghề cho người lao động

Từ đầu năm 2023 đến nay, huyện Tuy Phước phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai công tác đào tạo nghề cho người lao động, đạt được nhiều kết quả tích cực. Ðến cuối tháng 9.2023, toàn huyện đã tạo việc làm cho trên 3.800 lao động, đạt trên 109% kế hoạch năm.

Nâng cao tay nghề

Từ đầu năm đến nay, Phòng LĐ-TB&XH huyện Tuy Phước phối hợp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, huyện và UBND các xã, thị trấn tổ chức khai giảng 17 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 560 học viên, đạt 160% kế hoạch năm. Trong đó, có 7 lớp đào tạo nghề nông nghiệp (Trồng rau an toàn; Trồng và nhân giống nấm; Trồng hoa; Nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò; Nuôi và phòng trị bệnh cho gà) và 10 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp (May công nghiệp, Kỹ thuật chế biến món ăn, Nghiệp vụ nhà hàng).

Các lớp dạy nghề đều dựa trên nhu cầu của người lao động và định hướng phát triển KT-XH của địa phương. Đơn cử như lớp nghề trồng hoa huệ, lay ơn, đồng tiền, hồng môn mở tại xã Phước Hòa nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng trồng hoa người dân làng hoa, phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển làng hoa Bình Lâm gắn với quy hoạch nông thôn mới, kết hợp phục vụ phát triển du lịch.

Ông Nguyễn Hạn (53 tuổi, có hơn 20 năm trồng hoa ở thôn Bình Lâm) đã tham gia lớp nghề trồng hoa huệ, lay ơn, đồng tiền, hồng môn năm nay. Theo ông, với những kiến thức mới được học tại lớp về trồng, chăm sóc, cắt ghép hoa…, khi áp dụng vào thực tiễn trồng trọt, tỷ lệ thành công, chất lượng cây trồng tăng thêm 20% so với cách làm cũ theo kinh nghiệm cá nhân.

“Ngoài ra, việc nhiều người trong thôn học kiến thức về trồng hoa cũng giúp có thêm đội ngũ người lao động có tay nghề chất lượng. Khi vào vụ hoa với số lượng lớn như vụ hoa Tết chẳng hạn, những chủ vườn như tôi sẽ chọn thuê những người đã học hành, có tay nghề để thuận lợi hơn cho công việc”, ông Hạn cho hay.

Vợ chồng anh Nguyễn Minh Hòa (42 tuổi, ở thôn Đại Lễ, xã Phước Hiệp) là chủ của một cơ sở may gia công. Năm 2023, hai vợ chồng và người lao động tại cơ sở cùng tham gia lớp nghề may công nghiệp dành cho lao động nông thôn. Tiếp cận kiến thức căn bản, kỹ năng mới, vợ chồng anh Hòa được nâng cao tay nghề. “Khi tay nghề chuẩn hơn, các sản phẩm may mặc của cơ sở cũng làm hài lòng khách hàng hơn”, anh Hòa chia sẻ.

Bên cạnh đó, huyện Tuy Phước phối hợp với Sở LĐ-TB&XH và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khai giảng 2 lớp đào tạo nghề hình thức xã hội hóa với 210 lao động, đạt 140% kế hoạch. Cụ thể, đào tạo nghề may tại Công ty TNHH May Hoàng Vinh (105 lao động), Công ty TNHH Gia Triệu (105 lao động). Việc người lao động tại DN được đào tạo, nâng cao tay nghề sẽ giúp hoạt động sản xuất hiệu quả, năng suất hơn.

Người lao động nhận chứng chỉ sau khi hoàn thành lớp dạy nghề chế biến món ăn. Ảnh: Phòng LĐ-TB&XH huyện Tuy Phước

Phối hợp từ nhiều phía

Xác định giải quyết việc làm gắn với công tác đào tạo nghề cho người lao động nhằm tạo thu nhập, sinh kế cho người dân là giải pháp trọng tâm để giảm nghèo bền vững, ngay từ đầu năm, UBND huyện Tuy Phước đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn rà soát, đánh giá tình trạng lực lượng lao động tại chỗ, như: Số lượng lao động, độ tuổi, trình độ văn hóa, trình độ lao động, nhu cầu học nghề, tình trạng thiếu việc làm…

Ông Nguyễn Văn Quí, Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Tuy Phước, cho biết thêm: “Phòng LĐ-TB&XH huyện chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương chỉ đạo các hội, đoàn thể (nhất là Hội LHPN, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên), hướng dẫn các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động người dân, nhất là những hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia các lớp đào tạo nghề nhằm chuyển đổi nghề, có cơ hội tìm việc làm phù hợp, phát triển sản xuất, tạo sinh kế, thoát nghèo bền vững. UBND huyện cũng giao Phòng NN&PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT gắn với việc hỗ trợ các mô hình sinh kế phù hợp”.

Bên cạnh đó, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện tuyên truyền, phổ biến các chế độ, chính sách có liên quan đến vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm; phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, UBND các xã, thị trấn tạo điều kiện cho người học nghề vay vốn, đầu tư phát triển sản xuất, giải quyết việc làm và tăng thu nhập.

Với sự nỗ lực, phối hợp của các ngành, địa phương trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp sát thực tiễn, công tác đào tạo nghề trên địa bàn huyện Tuy Phước đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn. Đến cuối tháng 9.2023, toàn huyện đã tạo việc làm cho 3.816 lao động, đạt 109,03% kế hoạch năm.


Tác giả: NGUYỄN MUỘI
Nguồn:baobinhdinh.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật