A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hoài Ân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Những năm gần đây, nghề trồng dâu nuôi tằm ở huyện Hoài Ân từng bước được khôi phục, giúp nhiều nông dân thoát nghèo vươn lên khấm khá. Không chỉ vậy, trồng dâu nuôi tằm còn góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị kinh tế cho người dân.

Từ quy mô nhỏ, sau khi tích lũy thêm kinh nghiệm, tự học hỏi thêm từ nhiều nguồn khác nhau, anh Bùi Dân, ở thôn Vạn Trung, xã Ân Hảo Tây, tăng quy mô nuôi từ 0,5 – 1 hộp tằm (thu hoạch từ 45 – 50 kg kén/đợt) lên nuôi từ 2,5 – 3 hộp tằm (thu hoạch hơn 150 kg kén/đợt).

Nghề trồng dâu nuôi tằm ở huyện Hoài Ân mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định cuộc sống người dân.

Anh Dân cho biết: “Trước đây, bà con nuôi tằm từ nhỏ dễ phát sinh dịch bệnh, hiệu quả không cao. Bây giờ, người nuôi mua tằm lớn ở giai đoạn 2 về nuôi. Thay né tre bằng né gỗ được đóng thành nhiều ô vuông nhỏ, mỗi con tằm ở trong ô riêng, chất lượng kén nhờ thế đồng đều và đẹp hơn. Từ nghề trồng dâu nuôi tằm, mỗi năm gia đình tôi thu nhập từ 150 – 200 triệu đồng, cao gấp nhiều lần trồng lúa; cuộc sống ổn định hơn trước.

Nghề trồng dâu nuôi tằm cũng giúp gia đình anh Phạm Văn Thu, ở thôn Vạn Trung, xã Ân Hảo Tây, vươn lên thoát nghèo, xây dựng được ngôi nhà mới khang trang vào năm 2017. Hiện tại, gia đình anh Thu nuôi từ 2,5 – 3 hộp kén tằm giai đoạn 2. Trồng 10.000 m2 lá dâu để cung cấp thức ăn cho tằm. Mỗi năm gia đình anh thu nhập từ 200 – 300 triệu đồng, tạo việc làm cho 4 lao động hái dâu với tiền công 170 nghìn đồng/người/ngày. Anh Thu kể: Hồi trước, vợ chồng tôi vừa trồng lúa, trồng mì, nuôi bò, nhưng không khá nổi. Từ khi vay vốn tín chấp từ Ngân hàng CSXH huyện để trồng dâu nuôi tằm, mọi thứ khá dần lên, giờ gia đình đã thoát nghèo.

Mùa vụ nuôi tằm thường kéo dài từ tháng Giêng đến tháng 8 âm lịch hằng năm. Thời gian nuôi giai đoạn 2 khoảng 18 ngày là cho kén. Trước đây, nuôi theo kiểu cũ, tằm giai đoạn 1 mới nở từ tuổi 1 đến tuổi 2 rất dễ phát sinh các loại dịch bệnh bủn, mũ; sử dụng né tre tốn nhiều thời gian thu hoạch kén. Vài năm trở lại đây, bà con chuyển sang kỹ thuật nuôi tằm giai đoạn 2 (tuổi 3 đến tuổi 5) trên nong tre, sau khi tằm chín tiến hành bủa lên né gỗ để tằm tạo kén, nên đảm bảo vệ sinh phòng bệnh cho tằm. “Sướng nhất là khi thu hoạch kén, mình chỉ việc đem né vào máy dập kén được đóng bằng gỗ, giảm được công lao động, thời gian gỡ kén mà chất lượng kén đẹp, giá bán cao hơn. Năm nay giá kén tăng cao nhất so với mọi năm, dao động từ 160 – 180 nghìn đồng/kg, người làm nghề ai cũng vui!”, anh Thu phấn khởi chia sẻ.

Nghề trồng dâu nuôi tằm cũng phát triển tại xã Ân Hảo Đông, mang lại thu nhập ổn định cho bà con làm nghề. Ông Ngô Công Đảm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ân Hảo Đông, cho biết: “Toàn xã hiện có hơn 100 ha dâu với hơn 100 hộ làm nghề trồng dâu nuôi tằm. Xã tạo điều kiện cho vay vốn chính sách ưu đãi, vận động chuyển đổi trồng giống dâu sẻ sang dâu bầu, nuôi tằm 2 giai đoạn, thành lập các tổ hội trồng dâu nuôi tằm để các hộ làm nghề giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm cùng nhau phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống”.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân, huyện hiện có gần 300 ha dâu, nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển ở các xã Ân Hảo Tây, Ân Hảo Đông, Ân Mỹ, Ân Tín, Ân Hữu; trong đó, phát triển mạnh nhất ở xã Ân Hảo Tây và Ân Hảo Đông. Ông Võ Duy Tín, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân, cho biết: Để giúp người dân nâng cao năng suất, tăng hiệu quả kinh tế từ nghề trồng dâu nuôi tằm, ngoài việc chú trọng mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ vốn vay… huyện hướng tới thành lập HTX trồng dâu nuôi tằm, thu hút DN xây dựng nhà máy chuyên về dâu tằm tơ tại địa phương, từng bước thực hiện chuỗi liên kết mua gom, tiêu thụ sản phẩm cho bà con.         


Tác giả: NGỌC NHUẬN – THẢO KHUY
Nguồn:binhdinh.vietnam.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật