Vân Canh: Phụ nữ miền núi đã biết làm giàu
Huyện Vân Canh có hơn 40% dân số là dân tộc thiểu số, nguồn thu nhập chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Những năm trước đây, do tập quán sản xuất lạc hậu,cuộc sống của người dân nơi đây khó khăn, trong đó phụ nữ là người chịu nhiều thiệt thòi nhất, nhiều chị quanh năm chỉ quanh quẩn trong làng, dùng củ khoai, củ sắn … để đổi lấy thực phẩm lo cho bữa ăn gia đình.
Thế nhưng những năm gần đây, qua quá trình được học tập, nâng cao nhận thức về mọi mặt, được tập huấn kỹ thuật sản xuất nông - lâm nghiệp cộng với các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ như Chương trình 134, 135, Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP và các chính sách sách ưu đãi đối với đồng bào dân tộc thiểu số khác, nhiều chị em đã thay đổi nhận thức và tập quán canh tác. Chị em biết áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần một cách bền vững. Chị Măng Thị Yến, Chủ tịch Hội LHPN huyện Vân Canh, nhận xét: “Hiện nay, đời sống của chị em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã được cải thiện rất nhiều, số hộ khá và giàu không thể đếm trên đầu ngón tay như cách đây vài năm, đặc biệt trong chị em đã xuất hiện nhiều mô hình làm kinh tế giỏi cấp tỉnh”.
Trước đây, gia đình chị Lê Thị Huyền, dân tộc Chăm, làng Canh Thành, xã Canh Hòa, chỉ chú trọng gieo trồng mỗi cây lúa rẫy và rau màu, có chăng thì chăn nuôi thêm khoảng vài con bò, con gà. Vì thế, kinh tế gặp nhiều khó khăn. Qua dự lớp tập huấn kỹ thuật trồng rừng và được biết chủ trương khuyến khích nhân dân trồng rừng ở những vùng đất không sản xuất nông nghiệp, chị bàn với chồng vay vốn khai hoang đất trống, đồi núi trọc để trồng rừng. Thu nhập từ cây mì, cây mía, con bò và cây nguyên liệu giấy đã giúp chị mua được máy xay xát gạo, máy cày phục vụ nhu cầu sản xuất và vận chuyển hàng hóa của bà con trong làng, trong xã trị giá hàng trăm triệu đồng. Chị vui mừng bày tỏ: “Nhờ được vay vốn, được tham quan học hỏi kinh nghiệm làm ăn của các chị em khác mà tôi đã mạnh dạn cùng chồng thay đổi tập quán canh tác để cải thiện kinh tế cho gia đình”.
Chị Đoàn Thị Lệ Thu, dân tộc Chăm, Chi hội trưởng Phụ nữ làng Hòn Mẻ (xã Canh Thuận), là một phụ nữ có nhiều suy nghĩ mới trong cách làm kinh tế gia đình. Qua tập huấn kỹ thuật, chị đã mạnh dạn xin vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đắp bờ ngăn, đưa nước suối về ruộng sản xuất lúa nước. Bên cạnh đó, chị mở rộng diện tích vườn đồi với các loại cây chuối, đu đủ, sả, mì cao sản, đậu phụng. Các loại cây trồng này đã mang về cho gia đình chị thu nhập hơn 50 triệu đồng/năm. Từ chỗ phải chạy kiếm cái ăn từng bữa, nay bằng sự thay đổi trong suy nghĩ và cần cù trong lao động sản xuất, biết tích lũy, 3 năm qua, gia đình người phụ nữ dân tộc thiểu số này đã vươn lên trở thành người có thu nhập cao nhất, nhì làng Hòn Mẻ. Thành quả ban đầu đã tiếp thêm nguồn lực để chị tiếp tục mở rộng mô hình kinh tế vườn đồi theo một hướng đi mới, trong đó việc mở rộng trang trại trồng chuối là điều chị đang từng bước thực hiện.
Chị Đinh Thị Hạnh, dân tộc Ba Na, làng Đắc Đưm (thị trấn Vân Canh) cũng vươn lên từ sự thay đổi trong cách sống, cách nghĩ, cách làm, cách quản lý. Ở làng, chị là người đi đầu trong việc vay vốn ngân hàng đầu tư trồng mía cao sản, trồng mì và nuôi bò. Sau khi hoàn trả lãi và gốc cho ngân hàng, chị còn có tích lũy để xây nhà, mua sắm các tiện nghi sinh hoạt cho gia đình và nuôi dạy con cái ăn học đàng hoàng .
Không riêng gì gia đình chị Huyền, chị Thu, chị Hạnh mà phong trào phụ nữ sản giỏi xuất hiện ở tất cả các làng ở huyện Vân Canh. Những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông thôn, nông nghiệp, những lớp chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp, được tư vấn, hỗ trợ vốn, tham quan mô hình sản xuất kinh doanh giỏi không chỉ giúp chị em nâng cao nhận thức về mọi mặt mà còn khơi dậy ý chí làm giàu trong chị em. Đã có rất nhiều chị phát triển kinh tế trang trại theo mô hình nông - lâm kết hợp, tạo tiền đề cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa phát triển, hình thành nhiều mô hình kinh tế trang trại tiêu biểu.
Đời sống của chị em phụ nữ dân tộc thiểu số ở Vân Canh từng bước được cải thiện và có tích luỹ, khiến chị em tự tin hơn trong cuộc sống. Điều đáng ghi nhận ở Vân Canh là nhiều phụ nữ có kinh tế khá, giàu đã tình nguyện giúp đỡ những phụ nữ khó khăn về kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ vốn, vật tư, giống cây, con để cùng nhau phát triển kinh tế, tạo dựng phong trào tương thân tương ái, giúp nhau làm kinh tế. Đây là một trong những tiền đề quan trọng để phong trào phụ nữ làm kinh tế giỏi trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Vân Canh ngày càng phát triển.