|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

70 NĂM NGÀY CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH RA “LỜI KÊU GỌI THI ĐUA ÁI QUỐC ” (11/6/1948 - 11/6/2018)

(binhdinh.gov.vn)-Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi thi đua ái quốc" (11/6/1948 - 11/6/2018)

Thưa quý vị đại biểu,

 

Cách đây 70 năm, nhằm động viên toàn dân tham gia công cuộc “Kháng chiến kiến quốc” chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời Kêu gọi thi đua ái quốc nhằm động viên nhân dân ta “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”. Hưởng ứng Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chỉ thị Toàn dân kháng chiến của Trung ương Đảng, toàn Đảng bộ, chính quyền, quân, dân tỉnh Bình Định thực hiện khẩu hiệu "Nhà nhà thi đua, người người thi đua" tích cực củng cố xây dựng chính quyền, mặt trận và các đoàn thể quần chúng, lực lượng vũ trang nhân dân địa phương để đẩy mạnh tăng gia sản xuất, chuẩn bị chiến đấu bảo vệ và xây dựng vững chắc hậu cứ kháng chiến.

Đặc biệt phong trào thi đua “Diệt giặc đói”, quyết tâm thực hiện mục tiêu “Vùng tự do tiến tới tự túc về ăn, mặc và học”, nhân dân đã tăng vụ sản xuất, áp dụng một số kỹ thuật canh tác mới để tăng sản lượng lương thực, tiếp tục phong trào khai hoang phục hóa; xây dựng lại các làng nghề truyền thống. Phong trào thi đua “diệt giặc dốt...” đã  tích cực triển khai phong trào Bình dân học vụ góp phần xóa mù chữ cho gần 129 ngàn học viên, ngoài ra còn mở lớp “bổ túc bình dân” để củng cố trình độ cho học viên qua “sơ cấp bình dân”. Phong trào “diệt giặc ngoại xâm”, lực lượng vũ trang Bình Định với Phong trào “luyện quân lập công” phát động kháng chiến toàn dân, toàn diện, mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi đường làng, ngõ xóm là trận địa diệt thù, phát động sâu rộng phong trào sưu tầm nguyên vật liệu cung cấp cho các công binh xưởng, sản xuất, chế tạo vũ khí, xây dựng phát triển lực lượng,... Trải qua 09 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân trong tỉnh đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn gian khổ, từng bước trưởng thành, vững vàng đánh bại các cuộc hành quân càn quét lấn chiếm của địch, bảo vệ vững chắc quê hương; lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh đã loại khỏi vòng chiến đấu 2.673 tên địch, thu nhiều vũ khí, góp phần cùng với cả nước giành thắng lợi, kết thúc bằng chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng bộ và nhân dân Bình Định bước tiếp vào cuộc đấu tranh chống "Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - Diệm. Nhân dân tiếp tục tăng gia sản xuất để có lương thực, thực phẩm và nuôi giấu LLVT địa phương và của tỉnh. LLVT không ngừng được kiện toàn, củng cố, phát triển, trưởng thành; với sự hỗ trợ và kết hợp với phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, LLVT đã liên tục phá tan kế hoạch dồn dân, lập ấp chiến lược, buộc địch phân tán lực lượng, làm cho chúng bị động khắp nơi; điển hình là chiến thắng Tà Lốc Vĩnh Thạnh là trận đánh đầu tiên thắng lợi của LLVT du kích và nhân dân Bình Định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. LLVT địa phương với phương châm "Bám thắt lưng địch mà đánh", đã lập nên nhiều chiến công như chiến thắng An Lão, Chiến thắng Đồi 10, Chiến thắng Đèo Nhông - Dương Liễu.

Thực hiện Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Dù phải chiến đấu 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn nữa, chúng ta cũng kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn!", Đảng bộ, nhân dân Bình Định đã đề ra nhiều khẩu hiệu như: “Toàn dân hiến kế, hiến sức đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”, thi đua đạt danh hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ, diệt ngụy, bắn máy bay Mỹ…, đẩy mạnh phong trào toàn dân xây dựng thôn, xã chiến đấu; kiên quyết tiến công địch bằng 3 mũi giáp công tại chỗ, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của Sư đoàn 3 Sao Vàng đã giải phóng các huyện Vĩnh Thạnh, Hoài Ân, An Lão tạo đà giải phóng hoàn toàn tỉnh Bình Định vào ngày 31/3/1975  góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Thưa các đồng chí,

Sau khi tỉnh nhà hoàn toàn giải phóng, các phong trào thi đua khôi phục tổn thất sau chiến tranh được phát huy mạnh mẽ như lao động sản xuất, khai hoang phục hóa, phong trào vòng công, đổi công, hợp tác xã, phong trào xây dựng hồ, đập thủy lợi, xây dựng đường giao thông, trường, trạm Y tế, phong trào thi đua xóa mù, bổ túc văn hóa. Trong công thương nghiệp, phong trào thi đua thành lập xí nghiệp sản xuất kinh doanh, thương mại phát triển rộng khắp; trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền các cấp, đào tạo cán bộ, được đẩy mạnh trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.

Bước vào thời kỳ đổi mới, đặc biệt là từ sau Đại hội toàn quốc lần thứ VIII của Đảng đã đề ra khẩu hiệu thi đua: “Tất cả vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” và thực hiện Nghị định số 223 ngày 08/12/1987 của Hội đồng Bộ trưởng, Ban Thi đua – Khen thưởng tỉnh được thành lập và đã tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhiều phong trào thi đua sôi nổi, nhất là tập trung chủ đề “Tất cả vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc nhân dân”,… tập trung khôi phục và phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng. Sau khi Luật Thi đua, Khen thưởng ra đời và thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 21/5/2004 của Bộ Chính trị, công tác thi đua, khen thưởng từ cấp tỉnh đến cấp xã đã được củng cố và kiện toàn. Tỉnh Bình Định đã ban hành nhiều Chỉ thị, Kế hoạch phát động các phong trào thi đua yêu nước và qua từng giai đoạn, UBND tỉnh đều tổ chức Đại hội thi đua yêu nước để tổng kết đánh giá kết quả phong trào thi đua, phát động thi đua 05 năm đến và biểu dương các điển hình tiên tiến để nhân rộng.

Có thể nói rằng 70 năm qua, phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng của tỉnh Bình Định đã có nhiều chuyển biến tích cực, các phong trào thi đua phát triển mạnh mẽ, sâu rộng, có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức, thiết thực và hiệu quả, tạo động lực quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc. Việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến được quan tâm chỉ đạo và có nhiều chuyển biến rõ nét qua từng giai đoạn; nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc được Nhà nước khen thưởng đã có tác dụng giáo dục, động viên, nêu gương học tập. Công tác khen thưởng dần dần hướng về cơ sở, giai đoạn từ 2014 đến nay đã tăng cường khen thưởng cho người trực tiếp lao động, sản xuất. Đã bám sát các quy định về đối tượng, tiêu chuẩn, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị; khen thưởng đột xuất, thành tích đặc biệt xuất sắc được thực hiện kịp thời, đảm bảo tính biểu dương, tôn vinh. Khen thưởng thành tích trong kháng chiến được quan tâm, nhất là thực hiện tốt việc phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”. Công tác thi đua, khen thưởng đã tác động tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ngày càng vững mạnh.

Kính thưa quý vị đại biểu, thưa hội nghị!

Để tiếp tục phát huy ý nghĩa, giá trị của Lời kêu gọi thi đua ái quốc và sức mạnh của các phong trào thi đua yêu nước, tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong giai đoạn tới 2018 - 2020, chúng ta tiếp tục hưởng ứng phát động thi đua của Thủ tướng Chính phủ tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX, với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, công tác thi đua, khen thưởng cần tiếp tục đổi mới về nội dung và hình thức nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII (nhiệm kỳ 2015 - 2020), tập trung các nhiệm vụ cụ thể như sau:

1. Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi đua, khen thưởng, tiếp tục quán triệt tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 49-CT/TU ngày 13/8/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng gắn với việc thực hiện Nghị quyết TW 4 (khóa XII) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với từng chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

2. Đổi mới việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là 04 phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”; Hưởng ứng tích cực các cuộc vận động do UBMTTQ Việt Nam kêu gọi như “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đô thị văn minh”. Mở rộng và nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua, làm cho các phong trào thi đua bao quát được các lĩnh vực của đời sống xã hội, các vùng miền trong tỉnh, các tầng lớp nhân dân. Cùng với việc tổ chức phát động phong trào thi đua thường xuyên, hàng năm, kết hợp phát động các phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề để hướng phong trào thi đua vào việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc, những mặt còn tồn tại, qua đó đánh giá tính hiệu quả, thiết thực của các phong trào thi đua yêu nước.

3. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thi đua yêu nước, các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng; tôn vinh, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua; gương người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác.

Cuối cùng, kính chúc các đồng chí lãnh đạo, quý vị đại biểu mạnh khỏe, chúc cho phong trào thi đua của tỉnh Bình Định giai đoạn tiếp theo được phát triển liên tục, sâu rộng, góp phần hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Xin trân trọng cảm ơn!

 


Tin nổi bật Tin nổi bật