Áp dụng quy trình khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi: Hướng đi đúng, cần kiên trì thực hiện
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, Đề án thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi triển khai tại tỉnh ta đã đạt những kết quả nhất định. Trong 5 chuyến biển đầu năm 2016, đội tàu đã khai thác 2.708 con cá ngừ, với tổng sản lượng trên 112 tấn; số lượng cá ngừ đạt tiêu chuẩn xuất đi Nhật Bản là 30 con (1,305 tấn), chiếm 4,2%. Giá bán bình quân tại Nhật Bản là 1.281 yên/kg, tương đương 257.670 đồng/kg.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.
Theo các thành viên tham gia Đề án (Sở NN&PTNT, Bidifisco, ngư dân), chất lượng cá ngừ đại dương đã được cải thiện qua từng chuyển biển, bước đầu tạo được uy tín tại thị trường Nhật Bản; chuỗi liên kết giữa ngư dân và doanh nghiệp bước đầu hình thành. Tuy vậy, số lượng cá ngừ đủ tiêu chuẩn tiêu thụ tại thị trường Nhật Bản còn ít. Nguyên nhân là một số ngư dân còn lúng túng, chưa thành thạo trong việc sử dụng ngư cụ và thực hiện quy trình bảo quản mới. Bên cạnh đó, ngư dân chưa đồng thuận với cách đánh giá chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp, thu nhập cũng chưa tương xứng với công sức bỏ ra, nên chưa khuyến khích được ngư dân áp dụng quy trình đã được hướng dẫn. Tỉnh ta chưa tổ chức dịch vụ hậu cần nghề cá để nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, ngư cụ và công nghệ khai thác cá ngừ đại dương của Nhật Bản còn một số điểm chưa phù hợp với thực tế hành nghề của ngư dân; quy trình kỹ thuật ngâm hạ nhiệt và bảo quản cá trên tàu theo kiểu của Nhật Bản cũng có nhiều khác biệt.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng khẳng định: Sản phẩm cá ngừ của tỉnh ta bước đầu đã có vị trí và chỗ đứng tại thị trường Nhật Bản. Điều đó chứng tỏ, việc thực hiện Đề án thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm để tiêu thụ nội địa và xuất khẩu là hướng đi đúng; các thành viên tham gia Đề án phải nỗ lực và kiên trì thực hiện. Trong đó, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các chuyên gia thủy sản của Tập đoàn Kato chuyển giao quy trình kỹ thuật cho ngư dân; bà con ngư dân cần kiên trì và có quyết tâm cao trong việc áp dụng quy trình khai thác, xử lý, bảo quản sản phẩm; Bidifisco cần chia sẻ, hỗ trợ ngư dân tiêu thụ sản phẩm.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng cũng đề nghị Tập đoàn Kato tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh công nghệ khai thác cá ngừ phù hợp với thực tế ngành nghề của ngư dân. Ông Hirosuke Kato, Chủ tịch Tập đoàn Kato, đã cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ tỉnh Bình Định trong thực hiện Đề án.
Theo T.Sỹ (baobinhdinh.com.vn)