A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bình Định: Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020

(binhdinh.gov.vn)-Thực hiện Công văn số 160/UBDT-VP135 ngày 18/02/2020 của Uỷ ban Dân tộc về việc xây dựng Báo cáo tổng kết, đánh giá thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016 – 2020 và đề xuất khung nội dung Chương trình 135 giai đoạn 2021 – 2025, UBND tỉnh Bình Định báo cáo kết quả thực hiện của Chương trình như sau

Chương trình 135 đem lại nhiều đổi thay tại các thôn bản vùng cao.
Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN

Bình Định có 55.011 hộ nghèo, chiếm 13,35%, còn 28.052 hộ cận nghèo, chiếm 6,81%. Đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở 33 xã, thị trấn thuộc 6 huyện; diện tích tự nhiên chiếm 48,4% so diện tích tự nhiên của tỉnh. Có 31 dân tộc thiểu số, đến cuối năm 2015 có 10.196 hộ, 37.770 người, chiếm khoảng 2,5% dân số toàn tỉnh, trong đó chủ yếu là 3 dân tộc Chăm, Bana, H’rê.

Giai đoạn 2016 – 2020, Bình Định đã thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, xây dựng được quy chế hoạt động cho Ban chỉ đạo. Định kỳ 6 tháng, hằng năm, Ban chỉ đạo, Thường trực Ban chỉ đạo họp thông qua một số nội dung lớn, quan trọng, như: Phân bổ kinh phí để thực hiện dự án, chính sách của Chương trình; kết quả thực hiện hằng năm Chương trình mục tiêu; sơ kết giữa kỳ; giải quyết những vướng mắc, phát sinh từ các địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện; các Sở, ban, ngành của tỉnh là thành viên của Ban chỉ đạo chủ trì các dự án, chính sách, hoạt động của Chương trình chủ động triển khai cho các đơn vị, địa phương thực hiện các nội dung của Chương trình.

Chương trình 135 và thực hiện các nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn đã có tác động mạnh mẽ làm cho bộ mặt nông thôn ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều thay đổi, cụ thể: Kết quả triển khai thực hiện Chương trình 135 ở các xã, thôn ĐBKK đã mang lại hiệu quả tích cực, cơ sở hạ tầng được cải thiện, diện mạo vùng DTTS và miền núi có những thay đổi đáng kể; văn hóa – xã hội có nhiều tiến bộ, phong tục tập quán sản xuất của đồng bào DTTS từng bước được cải thiện, năng suất được nâng lên, cơ cấu cây trồng vật nuôi được chuyển đổi. Đường giao thông từ trung tâm xã đến các thôn, làng từng bước được hoàn thiện làm cho việc lưu thông hàng hóa dễ dàng, sản phẩm bà con làm ra được vận chuyển thuận lợi, tăng thu nhập đáng kể cho người dân. Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn 3 huyện miền núi còn 4 làng chưa có đường ô tô: làng Canh Tiến, xã Canh Liên, làng Canh Giao, xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh và làng O2, làng O3, xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh. Hệ thống kênh, mương, thủy lợi được nâng cấp từ mương đất chuyển sang mương bê tông xi măng, giảm thất thoát nguồn nước. Trạm y tế được xây dựng giúp nhân dân vùng sâu, vùng xa được khám, chữa bệnh kịp thời, giảm được tình trạng bệnh nhân chuyển lên tuyến trên. Số hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia ngày càng tăng ở những vùng sâu, vùng xa, đảm bảo sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 6 làng chưa có điện lưới quốc gia: Canh Tiến, Kà Bông, Làng Cát, Làng Chồm, xã Canh Liên, làng Canh Giao xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh và làng O2, xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh. Các trường bán trú đã xây dựng nhà bếp và các công trình khác để phục vụ việc ăn uống, nghỉ ngơi, học tập ổn định cho học sinh. Đã thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 5%/năm.

Kết quả thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020:

Đối với tiểu dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, với tổng kinh phí 45.061 triệu đồng, trong đó: Phát triển sản xuất, giai đoạn 2016 – 2019 đã hỗ trợ 168,38 tấn cây lương thực; 28.184 cây ăn quả; 86.862 cây công nghiệp; 5.600 cây tiêu; 11 ha giống cỏ VA06; hỗ trợ 997 con trâu, bò, lợn; 60.000 con cá; 1.200 con gà; 42 chuồng trại; hỗ trợ 952,157 tấn phân bón; 520 bao cám hỗ hợp; xây dựng 06 mô hình phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế; 19 lớp khuyến nông, lâm, ngư cho trên 550 đồng bào DTTS; tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ 178 máy móc, công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp. Tổng số hộ dân thụ hưởng 42971 lượt hộ dân.

Nhân rộng mô hình giảm nghèo, giai đoạn 2016 – 2019 đã xây dựng dự án khôi phục diện tích 30 ha trồng dân nuôi tằm, cho 90 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; Dự án nhân rộng mô hình rau an toàn cho 16 hộ nghèo, hộ cận nghèo; 07 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo nuôi bò thịt vỗ béo cho 165 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; 01 dự án nuôi lươn không bùn cho 21 hộ thụ hưởng; 02 dự án nuôi gà an toàn sinh học cho 111 hộ thụ hưởng; Dự án nhân rộng mô hình trồng bưởi da xanh với diện tích 13 ha cho 48 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; Dự án trồng 22ha cam sành cho 98 hộ thụ hưởng, dự án trồng cây đậu phộng cho 15 hộ thụ hưởng; Dự án trồng 2ha dâu giống cao sản cho 37 hộ thụ hưởng. Riêng năm 2020, đang triển khai thực hiện.

Đối với tiểu dự án Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, giai đoạn 2016 -2019: khởi công mới 261 công trình; thực hiện 116 công trình chuyển tiếp; trả nợ 153 công trình hoàn thành. Đối với tiểu dự án Nâng cao năng lực cộng đồng và cán bộ cơ sở, thực hiện với tổng kinh phí 7.267 triệu đồng; trong đó, giai đoạn 2016 – 2019 thực hiện tổ chức 86 lớp cho 500 lượt cán bộ xã, 1.535 cán bộ thôn; 4.426 lượt người dân và cộng đồng tham gia. Riêng năm 2020, đang triển khai thực hiện.

Đến nay, Chương trình đã hoàn thành mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo đã giảm bình quân 2,1%/năm, đạt và vượt kế hoạch (từ 1,5%-2%/năm). Riêng các huyện nghèo đã giảm bình quân 5,7%/năm, đạt và vượt kế hoạch (5%/năm); 100% hộ nghèo về thu nhập và hộ nghèo đa chiều thiếu hụt thẻ BHYT, hộ cận nghèo mới thoát nghèo (trong 5 năm), hộ cận nghèo sinh sống tại huyện nghèo theo Nghị quyết 30a và nhân dân sinh sống tại các vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, tại xã đảo được hỗ trợ bảo hiểm y tế. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế toàn dân đạt 88,5%; 100% xã đảm bảo nội dung điểm phục vụ bưu chính;  97,5% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% trạm y tế có bác sỹ; 70% đường trục thôn, làng và đường liên thôn, làng ít nhất được cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm; 100% trẻ em học mẫu giáo, học sinh phổ thông con hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS được miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập khi theo học tại các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn; 100% trẻ em học mẫu giáo thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tiền ăn trưa; 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã, trưởng thôn, bản được tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo; Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn được tập trung đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới.

Thùy Trang


Tin nổi bật Tin nổi bật