|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương ứng phó tổng thể với dịch Covid-19

(binhdinh.gov.vn)-Sáng ngày 10/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về nội dung: Các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội, ứng phó dịch Covid-19. Dự hội nghị tại điểm cầu Bình Định có Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan của tỉnh.

Hội nghị tại điểm cầu Bình Định

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định các cơ quan Trung ương và địa phương “không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác” trong phòng chống dịch, đặc biệt phải tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 16 về giãn cách xã hội, nhất là với những thành phố lớn; phải coi “việc chống dịch là nhiệm vụ chính trị hàng đầu trong giai đoạn hiện nay”…. Về tác động đến kinh tế - xã hội, Thủ tướng cho biết, dịch Covid - 19 đã và đang gây ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế toàn cầu. Đối với nước ta có dịch đã tác động mạnh và sâu rộng đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Trong quý I/2020, GDP chỉ tăng 3,82%, mức thấp nhất kể từ năm 2011. Các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại bị ảnh hưởng rất nặng nề, tiếp đến là lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và tiêu dùng. Trong bối cảnh đó, nếu không có biện pháp duy trì hoạt động kinh tế xã hội bình thường và thúc đẩy mạnh mẽ việc phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy lớn về kinh tế xã hội, kể cả bất ổn xã hội. Vì vậy, Thủ tướng nhấn mạnh, Hội nghị hôm nay được coi là Hội nghị “4 trong 1” nhằm huy động tổng lực các nguồn lực của đất nước với quyết tâm, tinh thần yêu nước, quật cường của nhân dân Việt Nam để chiến thắng dịch bệnh, đồng thời nỗ lực vượt khó vươn lên trong sản xuất và đời sống. Mặt khác, Thủ tướng yêu cầu Hội nghị phải đề ra được các cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể, mạnh mẽ, đúng và trúng để duy trì, phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm, đời sống cho nhân dân trong thời gian có dịch, đặc biệt thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng phát triển sau khi kết thúc dịch.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về 4 nhóm vấn đề cụ thể. Trong đó nhấn mạnh, các giải pháp mà Chính phủ cùng các bộ, ngành đưa ra thời gian qua rất kịp thời để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19; Nghị quyết của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch với các chính sách hỗ trợ trực tiếp hoặc cho vay ưu đãi 6 nhóm đối tượng có tổng giá trị lên tới 62.000 tỷ đồng... 

Đối với tỉnh Bình Định, nhờ chủ động quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: “chống dịch như chống giặc, chấp nhận thiệt hại về kinh tế để phòng, chống dịch, mục tiêu tối thượng là bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của nhân dân,…” đến thời điểm hiện tại, tỉnh vẫn đang kiểm soát tốt tình hình, đảm bảo an toàn cho người dân cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn. Song song với việc triển khai thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa dịch bệnh, tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn và triển khai kịp thời các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh quý I/2020 tiếp tục tăng trưởng và phát triển; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của đại bộ phận nhân dân cơ bản ổn định; an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.

 Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận các ý kiến đóng góp nhiệt huyết, trách nhiệm của các đại biểu. Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết chuyên đề về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trên cả ba lĩnh vực: Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; bảo đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội ứng phó với dịch Covid - 19. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các bộ ngành xây dựng kịch bản phục hồi kinh tế ngay sau dịchđược khống chế, đồng thời phối hợp cùng Văn phòng Chính phủ tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của địa phương, cộng đồng doanh nghiệp đưa vào trong Nghị quyết chuyên đề. 

Mặt khác, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành Trung ương, các địa phương cần tiếp tục cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bảo vệ hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất công nghiệp - xây dựng, nông lâm nghiệp - thủy sản, đảm bảo an ninh lương thực; thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản; chủ động mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phòng dịch... Cùng với đó, tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá làm rối loạn thị trường. Đồng thời cần có biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn xã hội, chống các thế lực thù địch lợi dụng mạng xã hội chống phá Đảng, Nhà nước, gây nhiễu loạn thông tin, nỗ lực làm tốt công tác bảo hộ công dân trong mọi tình hình. Trong quá trình thực hiện các gói hỗ trợ của Chính phủ, cần đảm bảo công khai minh bạch, đúng đối tượng, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, phát hiện xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành, kiểm soát, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân nhằm phát huy tối đa hiệu quả các gói hỗ trợ ở từng lĩnh vực…

Thùy Trang


Tin nổi bật Tin nổi bật