A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bình Ðịnh tiếp tục duy trì thứ hạng cao về chỉ số quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2014

Theo kết quả đánh giá Chỉ số quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2014 mới vừa công bố, Bình Ðịnh đạt 38,619 điểm, xếp hạng thứ 8/63 tỉnh, thành. Ðây là năm thứ 4 liên tiếp từ khi triển khai đánh giá (2011), Bình Ðịnh giữ được vị trí xếp trong nhóm tỉnh, thành phố đạt điểm cao nhất.

Bảng xếp hạng chỉ số PAPI các tỉnh, thành cả nước năm 2014.

Kết quả này phản ánh nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền của tỉnh trong việc phấn đấu hoàn thành các mục tiêu về công tác cải cách hành chính (CCHC) theo Chương trình hành động của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh về CCHC, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2011-2015 đã đề ra.

Kết quả đánh giá ở 6 lĩnh vực nội dung chỉ số PAPI tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước cho thấy, mặc dù không tỉnh, thành nào thuộc về nhóm đạt điểm cao nhất ở cả 6 nội dung, song một số địa phương thuộc về nhóm này ở 4 hoặc 5 lĩnh vực. Bình Định, cùng với Quảng Trị, Vĩnh Long, Nam Định, Long An và Quảng Ngãi có tên trong nhóm tỉnh đạt điểm cao nhất ở 4 chỉ số nội dung.

Phân tích kết quả đánh giá của 6 nhóm nội dung chỉ số PAPI của Bình Định trong 4 năm 2011 - 2014 cho thấy, ở nội dung “sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, Bình Định được đánh giá luôn ở nhóm địa phương có thứ hạng cao và duy trì ổn định chỉ số trong 4 năm liên tiếp. Về nội dung đánh giá “công khai, minh bạch”, trên cơ sở xác định việc thực hiện công khai, minh bạch về công tác quy hoạch/kế hoạch sử dụng đất, khung giá đền bù, việc thu chi ngân sách cấp xã, danh sách hộ nghèo, cũng được đánh giá tương đối tốt qua kết quả hàng năm.

Chỉ số “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” của Bình Định luôn được đánh giá trong nhóm ở vị trí thứ hạng cao trong cả nước. Tuy vậy, kết quả phân tích chỉ số này cũng đặt ra cho tỉnh ta vấn đề cần quan tâm hơn nữa trong việc “tạo sự công bằng trong tuyển dụng vào Nhà nước” nhằm thu hút được người có trình độ, năng lực chuyên môn tốt, để bộ máy nhà nước phát huy hiệu quả thực sự theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Chỉ số “cung ứng dịch vụ công” của Bình Định cũng được duy trì ổn định ở nhóm tỉnh có thứ hạng cao hàng năm.

Còn lại, nội dung thực hiện “trách nhiệm giải trình với người dân” được đánh giá ở nhóm tỉnh đạt điểm trung bình cao. Một số mặt hạn chế của nội dung này là hiệu quả tương tác của người dân với các cấp chính quyền thông qua việc thực hiện cơ chế đối thoại, chất vấn, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong đời sống KT-XH mà người dân đặt ra với các cấp chính quyền.

Riêng nội dung đánh giá “thủ tục hành chính công”, kết quả năm 2014 của Bình Định ở chỉ số này đạt thấp hơn so với các năm trước và ở nhóm đạt điểm thấp nhất của cả nước. Thực tế cho thấy, việc giải quyết thủ tục hành chính trên các lĩnh vực đất đai, xây dựng và công tác giải quyết thủ tục hành chính của cấp xã tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đáp ứng được sự hài lòng của người dân. Điều đó đòi hỏi các ngành, các cấp của tỉnh cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng công tác giải quyết thủ tục hành chính, nhất là triển khai có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan hành chính và đơn vị cung ứng dịch vụ hành chính công của tỉnh.  

Với mục tiêu mà CCHC hướng đến là xây dựng một nền hành chính có hiệu lực và hiệu quả, tạo tiền đề cho sự phát triển và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực công để thúc đẩy KT-XH phát triển, chính quyền các cấp của tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công cuộc CCHC một cách đồng bộ, cải tiến mạnh mẽ và không ngừng đổi mới cách thức lãnh đạo, điều hành của hệ thống cơ quan nhà nước từ tỉnh đến cơ sở để đáp ứng sự hài lòng của người dân, tăng năng lực cạnh tranh của tỉnh và tiếp tục giữ vững, cải thiện hơn nữa chỉ số PAPI trong những năm đến.

Theo Lâm Trường Định (baobinhdinh)


Tin nổi bật Tin nổi bật