Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tiếp xúc cử tri khối các cơ quan tỉnh
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tiếp xúc cử tri khối các cơ quan tỉnh Bình Định.
Tại Hội nghị, sau khi nghe ĐBQH Lê Công Nhường báo cáo kết quả kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV và kết quả hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định tại kỳ họp, các đại biểu cử tri đặt nhiều câu hỏi xoay quanh các vấn đề như: Hiện nay, Bộ GD&ĐT có những giải pháp nào trong việc nâng cao năng suất lao động của người Việt Nam; chất lượng giảng dạy môn Giáo dục công dân tại một số trường chưa cao, nhiều trường có tình trạng giáo viên dạy kiêm nhiệm môn này; công tác tuyển sinh vào các trường đại học hiện nay; cần có quy định cụ thể về điều kiện trình độ, năng lực, phẩm chất của người giáo viên; kiến nghị Bộ GD&ĐT quan tâm các dự án trong lĩnh vực GD&ĐT tại tỉnh Bình Định để địa phương có bước phát triển bền vững; việc phân luồng học sinh THCS sau khi tốt nghiệp…
Trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học hướng tới nâng cao năng suất lao động của người Việt Nam. Theo đó, Bộ đã quy hoạch lại mạng lưới hệ thống các trường đại học, cao đẳng, cơ sở dạy nghề; tăng cường giám sát các điều kiện đảm bảo chất lượng của các cơ sở đào tạo; thực hiện cơ chế ưu tiên đối với các cơ sở đào tạo có hoạt động đào tạo chất lượng, hiệu quả. Đặc biệt, Bộ GD&ĐT đã đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học; trong đó tự chủ về tuyển sinh, các trường sẽ xây dựng chương trình tuyển sinh các ngành nghề trên cơ sở khảo sát nhu cầu của xã hội và điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo. Thời gian tới, sẽ tiến hành xây dựng phần mềm công khai, minh bạch về tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm của các trường ĐH, CĐ và nghề.
Cử tri đặt câu hỏi tại hội nghị tiếp xúc cử tri.
Đối với vấn đề cần nâng cao chất lượng giảng dạy môn Giáo dục công dân ở các trường phổ thông, phẩm chất của người giáo viên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh quá trình đào tạo lại đội ngũ giáo viên; xây dựng được đề án về tăng cường đào tạo lối sống trong giáo dục.
Về hình thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, Bộ trưởng cho rằng, từ năm 2015 đến nay Bộ GD&ĐT đã có nhiều đổi mới trong công tác tổ chức thi, tạo thuận lợi, giảm tốn kém cho thí sinh, gia đình và xã hội. Qua kỳ thi không những đánh giá được quá trình dạy học trong suốt quá trình 12 năm của các cơ sở giáo dục, mà còn là một kênh để các trường ĐH, CĐ có thể sử dụng trong thực hiện tuyển sinh cạnh tranh…
Tin, ảnh: N.T.T