A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chính phủ công bố Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước

(binhdinh.gov.vn) - Sáng ngày 19/5, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình – Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc công bố Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2019) và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2019. Tại điểm cầu Bình Định, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Cao Thắng và đại diện lãnh đạo: Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Văn phòng UBND tỉnh cùng tham dự hội nghị (ảnh).

PAR INDEX 2019: Giá trị trung bình Chỉ số CCHC cao hơn năm 2018

Trên cơ sở tự đánh giá, chấm điểm của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và kết quả điều tra xã hội học với 20.716 phiếu khảo sát (chưa tính mẫu khảo sát người dân, doanh nghiệp), Bộ Nội vụ đã công bố kết quả PAR INDEX 2019.

Theo đó, trong 17 bộ, cơ quan ngang bộ, có 3 đơn vị đạt kết quả Chỉ số CCHC trên 90% (nhóm A) gồm: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (95.40%), Bộ Tài chính (94.77%) và Bộ Tư pháp (90.12%). Các đơn vị còn lại đạt kết quả Chỉ số CCHC trên 80% đến dưới 90% (nhóm B). Giá trị trung bình Chỉ số CCHC của 17 bộ, cơ quan ngang bộ năm 2019 là 85.63%, tăng 2.95% so với năm 2018.

Theo ghi nhận, có 6/7 chỉ số thành phần theo từng lĩnh vực có giá trị trung bình tăng hơn so với năm 2018; trong đó, chỉ số thành phần “Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC” có giá trị tăng cao nhất là 7.06% (từ 87.65% vào năm 2018 lên 94.71% vào năm 2019). Kết quả này cho thấy những nỗ lực của các bộ, cơ quan trong công tác chỉ đạo, điều hành CCHC, thúc đẩy triển khai các nhiệm vụ CCHC thông qua các nội dung kiểm tra, tuyên truyền CCHC, nâng cao chất lượng công tác ban hành kế hoạch và hoàn thành các mục tiêu kế hoạch CCHC đã ban hành.

Trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có 01 tỉnh đạt kết quả Chỉ số CCHC từ 90% trở lên là tỉnh Quảng Ninh (nhóm A); 42 tỉnh, thành phố đạt kết quả Chỉ số CCHC từ 80% đến dưới 90% (nhóm B); 20 tỉnh, thành phố đạt kết quả Chỉ số CCHC từ 70% đến dưới 80% (nhóm C). Bình Định đứng thứ 46/63 tỉnh, thành với chỉ số 79.86%; tăng 7 bậc so với năm 2018.

Theo đánh giá, Chỉ số CCHC 2019 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kết quả đạt giá trị trung bình là 81.15%, cao hơn 4.23% so với giá trị trung bình năm 2018 và là kết quả cao nhất trong 4 năm gần đây. Có 7/8 chỉ số thành phần có giá trị trung bình tăng cao hơn so với năm 2018; trong đó, chỉ số thành phần “Cải cách thủ tục hành chính” tiếp tục có giá trị trung bình cao nhất là 90.57%, cao hơn 5.78% so với năm 2018.

Kết quả trên cho thấy, các tỉnh, thành phố đã có những tiến bộ nhất định trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ CCHC được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; chất lượng, hiệu quả CCHC tại các địa phương ngày càng được nâng cao.

SIPAS 2019: Người dân, tổ chức hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương

Từ ngày 01/11/2018 đến ngày 31/7/2019, Bộ Nội vụ đã chủ trì tiến hành điều tra xã hội học các giao dịch công diễn ra tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận Một cửa của các Sở, Bộ phận Một cửa của UBND cấp huyện và Bộ phận Một cửa của UBND cấp xã trong 16 lĩnh vực dịch vụ được chọn ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước. Việc chọn mẫu được thực hiện theo phương pháp ngẫu nhiên phân tầng để đảm bảo các đối tượng điều tra xã hội học được chọn khách quan, đại diện cho người dân, tổ chức (NDTC) thuộc mọi thành phần đến từ các địa phương có mức độ phát triển kinh tế xã hội tốt, trung bình, thấp ở mọi vùng, miền trong cả nước. 

Kết quả SIPAS 2019 cho thấy, có 84,45% NDTC hài lòng về sự phục vụ nói chung của cơ quan hành chính nhà nước (HCNN) ở địa phương, tăng gần 1,5% so với năm 2018 và gần 2,3% so với năm 2017. Tỷ lệ NDTC hài lòng về tiếp cận dịch vụ là 86,48% về thủ tục hành chính là 86,54%, về công chức là 85,62%, về kết quả dịch vụ là 88,56% và về việc tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý, phản ảnh, kiến nghị của NDTC là 73,66%. 3 tỉnh đứng đầu về Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan HCNN năm 2019 là Quảng Ninh, Hải Phòng, Cà Mau; 3 tỉnh có chỉ số hài lòng thấp nhất là Bình Thuận, Đắk Lắk, Cao Bằng. Chỉ số SIPAS năm 2019 của Bình Định là 81.81%, xếp thứ 45/63 tỉnh, thành phố; trong khi năm 2018, chỉ số này của Bình Định là 71.81%, xếp vị trí 61/63 tỉnh, thành.

Trong 3 cấp hành chính, cấp huyện nhận được mức hài lòng cao nhất (85.53%), cấp tỉnh thấp nhất (83,35%). Trong 16 lĩnh vực dịch vụ, lĩnh vực giao thông, vận tải nhận được mức hài lòng cao nhất (88,45%), lĩnh vực đất đai, môi trường thấp nhất (79,06%). Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của 63 tỉnh, thành phố nằm trong khoảng 73,81 – 95,26%, chênh lệch lên tới 21,45%.

Ba nội dung mà NDTC mong đợi cơ quan HCNN cải thiện nhiều nhất là: Mở rộng các hình thức thông tin tiếp cận dịch vụ công (62,50% số người được hỏi), tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính (44,00% số người được hỏi) và rút ngắn thời gian cung ứng dịch vụ công (43,27% số người được hỏi).

Việc đo lường sự hài lòng của NDTC đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (HCNN) giúp đánh giá khách quan chất lượng phục vụ, cung ứng dịch vụ công của các cơ quan HCNN thông qua ý kiến phản hồi của NDTC. Qua đó, các cơ quan HCNN nắm bắt được cảm nhận, yêu cầu, mong muốn của NDTC để có những biện pháp cải thiện chất lượng phục vụ, cung ứng dịch vụ nhằm nâng cao sự hài lòng và lợi ích của NDTC.

Kim Loan


Tin nổi bật Tin nổi bật