|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chính phủ tổng kết 10 năm Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước

(binhdinh.gov.vn) - Chiều ngày 18/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã chủ trì Hội nghị tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, định hướng Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030. Tại điểm cầu Bình Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan cùng tham dự hội nghị.

Điểm cầu Bình Định

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Kể từ khi tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, CCHC luôn là một nội dung quan trọng trong đường lối đổi mới của Đảng ta, trong chủ trương, chính sách và pháp luật của Nhà nước. CCHC xuất phát từ đòi hỏi bức bách khi đất nước chuyển mạnh sang thời kỳ phát triển mới - thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa với những cơ hội và thách thức mới. Trong bối cảnh hội nhập và hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng với những thời cơ, thuận lợi cũng như những khó khăn, thách thức đan xen nhau diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020 với hệ thống các giải pháp và bước đi phù hợp, nhằm mục tiêu xây dựng nền hành chính nhà nước Việt Nam dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hóa, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả theo nguyên tắc của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đồng thời với đó, CCHC đã được xác định là một trong 3 giải pháp quan trọng để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 với mục tiêu và giải pháp thực hiện CCHC đúng đắn, có cơ sở phù hợp với thực tế, đã tạo ra sự thay đổi căn bản trong nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn bộ hệ thống cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương. CCHC đã thúc đẩy quá trình đổi mới kinh tế, dân chủ hóa đời sống văn hóa, xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế, củng cố và duy trì ổn định chính trị, phòng chống tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: baochinhphu.vn)

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ, trong 10 năm qua, CCHC đã được triển khai đồng bộ trên tất cả 06 nội dung: cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa hành chính.

Trong đó, công tác cải cách thể chế được các cơ quan nhà nước trong cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương quan tâm, chỉ đạo sát sao, xây dựng các thể chế thuộc phạm vi quản lý; đã chú trọng việc xây dựng các dự thảo Luật, Pháp lệnh trình Quốc hội và ban hành một số lượng lớn Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, Pháp lệnh, thể chế về tổ chức bộ máy của hệ thống hành chính, về mối quan hệ giữa nhà nước với người dân, về cải cách hành chính, thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử tiếp tục được đổi mới… Từ năm 2012 đến nay, các Bộ đã ban hành 8.600 văn bản quy phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, cải cách thủ tục hành chính được xác định là một khâu đột phá và đã được triển khai mạnh mẽ ở tất cả các cấp hành chính theo hướng đơn giản hóa, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm lợi ích chính đáng và quyền làm chủ của Nhân dân. Việc triển khai thực thi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh và hoạt động kiểm tra chuyên ngành đạt nhiều kết quả tích cực. Từ tháng 04/2016 đến 11/2020, đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 1.000 thủ tục hành chính, 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành… Từ đó, tổng chi phí xã hội được tiết kiệm khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỉ đồng/năm. Việc triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Việc giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng, thuận lợi, giảm thiểu tình trạng chậm, muộn, nhũng nhiễu; tỷ lệ giải quyết đúng hạn đạt 97,37%...

Việc xây dựng và ban hành các văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức các bộ, ngành Trung ương về cơ bản khắc phục được những tồn tại, hạn chế của các giai đoạn trước; bổ khuyết những thiếu sót về thể chế, tổ chức bộ máy, bảo đảm bao quát đầy đủ chức năng quản lý nhà nước của Chính phủ. Việc sắp xếp, kiện toàn của các cơ quan hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập ở các bộ, ngành Trung ương, địa phương được thực hiện có hiệu quả.

Công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục được hoàn thiện đồng bộ trên tất cả các khâu từ tuyển dụng, sử dụng, bố trí đến đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch, nâng hạn. Các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện bố trí công chức đảm bảo theo vị trí việc làm và tiêu chuẩn ngạch công chức, viên chức tương ứng với bản mô tả công việc khung năng lực của từng vị trí. Việc thi tuyển cạnh tranh để bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo, quản lý; việc tuyển dụng công chức quản lý cán bộ, công chức, viện chức; việc thu hút những người có tài năng vào làm việc trong các cơ quan nhà nước… bước đầu đạt được kết quả nhất định. Cải cách chính sách tiền lương đã được quan tâm đúng mức. Từ năm 2011 đến nay, Chính phủ đã từng bước điều chỉnh mức lương cơ sở đối với khu vực hưởng lương ngân sách phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách của Nhà nước.

Về công tác cải cách tài chính công, trong giai đoạn vừa qua, nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được ban hành đã từng bước góp phần hoàn thiện chính sách về thuế, thu nhập tiền lương, chính sách an sinh xã hội; trở thành động lực phát huy nhân tố con người trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt hơn công bằng xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế…

Trong công tác hiện đại hóa hành chính, việc thực hiện chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số là điểm sáng thúc đẩy thay đổi lề lối, phương thức làm việc của các cơ quan nhà nước. Cơ chế, thể chế chính sách, khung pháp lý về xây dựng Chính phủ điện tử dần được hoàn thiện…

Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, nhiều bộ, ngành và địa phương đã có những mô hình, sáng kiến mới được nghiên cứu, áp dụng có hiệu quả. Từ năm 2015 đến nay, các bộ, ngành đã có khoảng 461 mô hình, sáng kiến CCHC; các tỉnh có khoảng 6.124 mô hình, sáng kiến CCHC. Nhìn chung, đa số các mô hình, sáng kiến CCHC đã được triển khai, nhân rộng trong phạm vi của từng tỉnh, ngoài ra, cũng có nhiều mô hình, sáng kiến đã được các tỉnh tham khảo, áp dụng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương mình.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ cũng chỉ ra những hạn chế cần khắc phục như: Cải cách thể chế vẫn còn những bất cập; công tác chỉ đạo, điều hành CCHC vẫn chưa được thể hiện một cách thường xuyên, liên tục ở một số bộ, ngành và một số địa phương; cải cách thủ tục hành chính vẫn chưa thực sự là động lực mạnh mẽ cho cải thiện môi trường kinh doanh; cải cách tài chính công còn nhiều hạn chế; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức có nơi chưa đồng đều, thậm chí còn yếu; việc hình thành các hệ thống dữ liệu dùng chung chưa đầy đủ; việc kết nối, liên thông giữa các phần mềm quản lý chuyên ngành, dữ liệu dùng chung của các cơ quan, đơn vị còn khó khăn, gây cản trở cho công tác quản lý và giải quyết công việc cho người dân, tổ chức…

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích những kết quả đạt được, chỉ ra những hạn chế, yếu kém, rút ra những bài học kinh nghiệm và đề xuất, xây dựng Dự thảo Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030 với những mục tiêu, nội dung mang tính cải cách nổi bật, có trọng tâm, hiệu quả, hướng tới xây dựng một nền hành chính dân chủ, kỷ cương, chuyên nghiệp, hiện đại; góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2021 - 2030 và những mục tiêu được Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra.

Thủ tướng  Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: baochinhphu.vn)

Về nhiệm vụ CCHC thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2030 một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. Đổi mới mạnh mẽ lề lối, phương thức làm việc, thay đổi căn bản phương thức chỉ đạo điều hành, quản lý sang điện tử và dựa trên dữ liệu số; thực hiện chuyển đổi số quốc gia và xây dựng bộ máy hành chính nhà nước các cấp có đủ năng lực vận hành chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số. Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa các quy định thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong công tác này; tăng cường tính công khai minh bạch để CCHC sát cơ sở, sát người dân và phục vụ người dân tốt hơn…

Kim Loan


Tin nổi bật Tin nổi bật