|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nghị định số 81/2013/NĐ-CP được triển khai có hiệu quả trên địa bàn tỉnh

(binhdinh.gov.vn) - Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 97/2017/NĐ-CP), UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 14/11/2013 về việc triển khai thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Nghị định số 81/2013/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Bình Định, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong tỉnh tổ chức triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện và tổ chức thi hành Nghị định số 81/2013/NĐ-CP bằng nhiều hình thức khác nhau theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tư pháp.

Ảnh minh họa (Nguồn: baobinhdinh.vn)

Trong thời gian qua, hành vi vi phạm hành chính của cá nhân chủ yếu trên các lĩnh vực: Đất đai; xây dựng; môi trường; trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt; thương mại (hàng cấm, hàng lậu, hàng giả…); vệ sinh an toàn thực 3 phẩm; mỹ phẩm, dược phẩm, y tế; nhãn hàng hóa (lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa…); khoáng sản; lâm nghiệp (phá rừng, buôn bán động vật rừng và gỗ trái phép…); thủy sản (khai thác thủy sản trái quy định, không đảm bảo an toàn khi tham gia khai thác thủy sản...); quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (vi phạm quy định về điều kiện con người, điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm; sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm ngoài danh mục được phép sử dụng; sơ chế sản phẩm động vật không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y về cơ sở); quốc phòng an ninh,… Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình hình vi phạm hành chính là do ý thức chấp hành pháp luật của người dân trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, đa số đối tượng vi phạm là dân nghèo nên vì lợi nhuận cá nhân mà vi phạm pháp luật; ngoài ra, do các văn bản pháp luật của bộ, ngành Trung ương thường xuyên thay đổi nên người dân rất khó để tiếp cận với các quy định mới của pháp luật.

Trước tình hình đó, Bình Định đã áp dụng nhiều biện pháp xử lý hành chính theo đúng trình tự, thủ tục và được cơ quan tư pháp kiểm tra tính pháp lý theo đúng quy định của pháp luật, góp phần tích cực trong việc giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của thanh thiếu niên, hạn chế tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh. 

Bên cạnh việc thực hiện có hiệu quả các quy định về xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp xử lý hành chính, Bình Định cũng thực hiện tốt các quy định quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong công tác thanh tra, kiểm tra; xây dựng, hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; phối hợp giữa các ngành, cơ quan chức năng trong xử lý vi phạm hành chính; báo cáo, thống kê; hướng dẫn áp dụng pháp luật xử lý vi phạm hành chính, giải đáp vướng mắc pháp luật; tuyên truyền, phổ biến, tập huấn các quy định của pháp luật về xử lý, xử phạt vi phạm hành chính.

Cùng với đó, tỉnh Bình Định cũng thực hiện tốt quy định về biểu mẫu biên bản và quyết định sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể: Từ khi Nghị định số 81/2013/NĐ-CP và Nghị định số 97/2017/NĐ-CP có hiệu lực, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai đến các cấp, các ngành, người có thẩm quyền xử phạt và người làm công tác tham mưu xử phạt trên các lĩnh vực từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã, đảm bảo thực hiện đúng các biểu mẫu theo quy định. Đồng thời, thông qua công tác kiểm tra định kỳ, cơ quan có thẩm quyền đã kịp thời phát hiện và hướng dẫn các đơn vị, địa phương khắc phục những tồn tại, sai sót trong việc sử dụng biểu mẫu về xử lý vi phạm hành chính. Hằng năm, UBND tỉnh đã tổng hợp một số vướng mắc trong quá trình sử dụng các biểu mẫu xử lý vi phạm hành chính (theo Nghị định số 81/2013/NĐ-CP và Nghị định số 97/2017/NĐ-CP), gửi Bộ Tư pháp để được hướng dẫn thực hiện.

Nhằm tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 81/2013/NĐ-CP, tỉnh Bình Định kiến nghị Bộ Tư pháp cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; kịp thời sửa đổi, bổ sung những điểm bất cập, hạn chế của Nghị định 81/2013/NĐ-CP và Nghị định số 97/2017/NĐ-CP để đảm bảo tính thống nhất, khả thi khi áp dụng thực hiện. Đồng thời, Bộ Tư pháp sớm phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính bổ sung biên chế, kinh phí cho Sở Tư pháp, các sở, ngành tỉnh và Phòng Tư pháp để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính theo quy định. Tăng cường nâng cao năng lực thực thi công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xử lý vi phạm hành chính bằng việc tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ chuyên sâu về xử lý vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực cụ thể. Sớm hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính và chủ trì tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ năng quản lý, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính cho các bộ, ngành, địa phương trong cả nước.

Kim Loan


Tin nổi bật Tin nổi bật