Tổng kết 5 năm hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ
Điểm cầu Bình Định
Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được thành lập theo Quyết định số 1642/QĐ-TTg ngày 19/8/2016. Sau khi được thành lập đến nay, Tổ công tác đã hoạt động tích cực, hiệu quả, tạo ra những thay đổi quan trọng trong việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và trong công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính.
Trong 5 năm qua, Tổ công tác đã tiến hành 104 cuộc kiểm tra với hàng trăm lượt làm việc với 80 bộ, cơ quan, địa phương; tổ chức 16 buổi làm việc với các Hiệp hội để lắng nghe phản hồi chính sách, những khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, qua các cuộc kiểm tra chuyên đề, tinh thần, quan điểm, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được đôn đốc, thực hiện kịp thời, có trọng tâm trọng điểm; nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách được tháo gỡ, tạo chuyển động thực sự về kỷ luật, kỷ cương, kịp thời đưa các giải pháp, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành những kết quả cụ thể, đi vào cuộc sống, góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
“Tổng cộng đã có hơn 300 nhiệm vụ cụ thể đã được Tổ công tác báo cáo, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để giao các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác cho biết.
Kết quả thực hiện nhiệm vụ giao, các đề án trong Chương trình công tác được cải thiện tích cực. Tỷ lệ nhiệm vụ quá hạn đến cuối năm 2020 chỉ còn 1,8%, giảm 23,4% so với thời điểm chưa thành lập Tổ công tác. Tỷ lệ đề án chưa trình đến hết tháng 2/2021 chỉ còn 0,5%, bằng 1/4 so với cuối nhiệm kỳ trước. Bên cạnh đó, công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết có nhiều chuyển biến rõ rệt, hầu hết các văn bản được ban hành có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của Luật, pháp lệnh. Số văn bản quy định chi tiết nợ đọng, chậm ban hành giảm thấp nhất từ trước đến nay, chỉ còn nợ đọng 3 văn bản quy định chi tiết của năm 2020.
Ngoài ra, Tổ công tác đã kịp thời đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, yêu cầu các bộ, cơ quan phải rà soát, sửa đổi, bãi bỏ nhiều quy định tại 87 văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, gây cản trở, khó khăn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Bên cạnh đó, công tác cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử được thúc đẩy mạnh mẽ. Qua đó, đã góp phần tích cực tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và hành động của các bộ, cơ quan, địa phương, cắt giảm hàng nghìn thủ tục hành chính; thay đổi lề lối và phương thức làm việc, chuyển mạnh từ thủ công sang môi trường điện tử cung cấp dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Việc đưa vào vận hành 4 hệ thống thông tin nền tảng của Chính phủ điện tử đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp; giúp cắt giảm 16.200 tỷ đồng/năm chi phí xã hội.
Qua hoạt động của Tổ công tác, sự phối hợp giữa Văn phòng Chính phủ với các bộ, cơ quan, địa phương ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn; nhiều nhiệm vụ khó, phức tạp, cấp bách được giải quyết kịp thời. Các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp được tiếp nhận và đề xuất giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Học tập sáng kiến của Thủ tướng và kinh nghiệm hoạt động của Tổ công tác, đến nay, 22 bộ, 63/63 địa phương đều đã thành lập Tổ công tác để theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cũng như nhiệm vụ được lãnh đạo bộ, địa phương giao. “Thực tiễn hoạt động và kết quả đạt được thời gian qua khẳng định và minh chứng rõ nét cho thấy công tác đôn đốc, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ giao là một chức năng, công cụ hữu hiệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. (Ảnh: baochinhphu.vn)
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giá cao kết quả Tổ công tác đạt được trong 05 năm qua và tặng Tổ công tác “8 chữ” là “Quyết liệt, Kịp thời, Hiệu quả, Thực chất”.
Thủ tướng lưu ý, nhiệm vụ quan trọng nhất của Văn phòng Chính phủ là xây dựng, đôn đốc, kiểm tra thực hiện chương trình hành động, chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Có thể nói Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ làm việc có tốt không, có hiệu quả không là do triển khai công tác. Mọi việc cần chủ động, khoa học, phù hợp với thực tiễn diễn ra, ứng phó kịp thời với thay đổi của đời sống xã hội, có trọng tâm, trọng điểm, quyết liệt, quyết tâm cao. Tổ công tác phải tập trung vào nhiệm vụ quan trọng, chính yếu này.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, các cơ quan, địa phương không được chủ quan, không được sớm bằng lòng với kết quả đạt được, phải tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao với tinh thần quyết liệt, không để nợ đọng nhiệm vụ; phát huy hiệu quả hơn nữa công tác kiểm tra, đôn đốc “Chủ trương 1, biện pháp 10 thì kiểm tra, đôn đốc 20 thì mới thành công” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ tiếp tục đề cao vai trò, trách nhiệm, có giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản pháp luật để không nợ đọng. Không để tình trạng chồng chéo, vướng mắc trong thể chế hiện hành, không để ban hành sai những thể chế kìm hãm sự phát triển.
Tất cả các bộ, cơ quan, địa phương trên cả nước cần có những giải pháp cụ thể thúc đẩy và nâng cao hoạt động của Tổ công tác của Bộ, cơ quan, địa phương trong đôn đốc, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ...
Kim Loan