Công bố 13 Luật, Pháp lệnh và Nghị quyết
Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung trong buổi họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về các Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết. Ảnh VGP/Hoàng Diên
13 Luật, Pháp lệnh và Nghị quyết gồm: Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Luật thú y; Luật nghĩa vụ quân sự; Luật tổ chức chính quyền địa phương; Luật tổ chức Chính phủ; Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật kiểm toán nhà nước; Luật tài nguyên và môi trường biển và hải đảo; Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Luật an toàn, vệ sinh lao động; Luật ngân sách nhà nước; Pháp lệnh Cảnh sát môi trường; Nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động.
Làm rõ được mối quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các cơ quan
Với 8 chương, 41 điều, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã làm rõ được mối quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với: Đảng, Nhà nước, Nhân dân, các tổ chức mà trước đây quy định rải rác ở các luật khác, trong các văn bản của Đảng hoặc Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Về hoạt động phản biện xã hội, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định cụ thể về tính chất, mục đích và nguyên tắc phản biện xã hội; đối tượng, nội dung, phạm vi phản biện xã hội; hình thức phản biện xã hội; quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hoạt động phản biện xã hội; quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo văn bản được phản biện.
Bổ sung khâu chế biến sản phẩm động vật vào quy trình kiểm soát
Luật Thú y gồm 7 chương, 116 điều. Tại Điều 64 của Luật đã đưa ra các yêu cầu đối với giết mổ động vật để kinh doanh như: Động vật phải khỏe mạnh; có trong Danh mục động vật thuộc diện phải kiểm soát giết mổ và được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y kiểm soát theo quy trình; việc giết mổ động vật phải được thực hiện tại cơ sở giết mổ động vật tập trung; trường hợp tại các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn chưa có cơ sở giết mổ động vật tập trung thì việc giết mổ động vật được thực hiện tại cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ và phải đáp ứng yêu cầu về vệ sinh thú y.
Độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình đến hết 27 tuổi
Luật nghĩa vụ quân sự gồm 9 chương và 62 điều, trong đó, Luật bổ sung quy định về độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình đến hết 27 tuổi (hiện nay là đến hết 25 tuổi) đối với công dân đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ để học chương trình đào tạo đại học, cao đẳng.
Để đảm bảo cho công dân chủ động chuẩn bị chuẩn bị thực hiện nghĩa vụ phục vụ tại ngũ; đồng thời, tạo điều kiện cho địa phương trong xây dựng, thực hiện kế hoạch gọi công dân nhập ngũ hàng năm, Luật nghĩa vụ quân sự đã quy định cụ thể thời điểm gọi công dân nhập ngũ được thực hiện vào tháng 2 hoặc tháng 3 hằng năm.
Tất cả các đơn vị hành chính đều tổ chức Hội đồng nhân dân
Luật tổ chức chính quyền địa phương gồm 8 chương và 143 điều, trong đó có những điểm mới về mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính; cơ cấu tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân.
Trong đó, tất cả các đơn vị hành chính đều tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (cấp chính quyền địa phương), đồng thời chấm dứt việc thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường kể từ khi Luật này có hiệu lực 1/1/2016.
Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ không quá 5
Luật tổ chức Chính phủ quy định cụ thể số lượng Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ không quá 5; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao không quá 6. Trong trường hợp do sáp nhập bộ, cơ quan ngang bộ hoặc do yêu cầu điều động, luân chuyển cán bộ của cơ quan có thẩm quyền thì Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tham gia xây dựng văn bản pháp luật
Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (gồm 17 chương, 173 điều) được xây dựng trên cơ sở hợp nhất 2 Luật hiện hành (Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004) thành 1 Luật để áp dụng thống nhất việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi cả nước. So với quy định của 2 Luật hiện hành, Luật năm 2015 có những điểm mới về: Thẩm quyền, hình thức văn bản quy phạm pháp luật; chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật;...
Trong đó, về quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tách bạch quy trình xây dựng chính sách với quy trình soạn thảo luật, pháp lệnh, nghị định của Chính phủ và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, trong đó tập trung quy định về quy trình xây dựng chính sách.
Bổ sung nhiều quy định mới về việc tổ chức lấy ý kiến nhằm mở rộng dân chủ, tăng cường công khai, minh bạch trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tham gia vào quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Bổ sung đơn vị được kiểm toán là cơ quan quản lý sử dụng công
Điểm mới của Luật kiểm toán bổ sung đơn vị được kiểm toán là cơ quan quản lý sử dụng công. Đối với các doanh nghiệp: Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Đối với doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống, khi cần thiết, Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định lựa chọn mục tiêu, tiêu chí, nội dung và phương pháp kiểm toán phù hợp.
Mở rộng đối tượng được ghi tên vào danh sách cử tri
Một trong những điểm mới của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân là mở rộng việc cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, đang được giáo dục bắt buộc, cai nghiện bắt buộc.
Bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển
Theo phạm vi điều chỉnh, nội dung cơ bản của Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo tập trung quy định về các công cụ, cơ chế, chính sách điều phối, phối hợp liên ngành, liên vùng, nguyên tắc, nội dung phối hợp trong quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo..., trong đó có nhiều nguyên tắc, chế định quan trọng lần đầu tiên được ghi nhận, quy định trong pháp luật Việt Nam như nguyên tắc: quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo phải dựa trên tiếp cận hệ sinh thái, bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được khai thác, sử dụng phù hợp với chức năng của từng khu vực biển và trong giới hạn chịu tải của môi trường, hệ sinh thái biển, hải đảo; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển;...
Luật an toàn, vệ sinh lao động
So với nội dung an toàn, vệ sinh lao động của Bộ luật lao động năm 2012, Luật an toàn, vệ sinh lao động quy định bao quát và cụ thể hơn các hoạt động về ATVSLĐ; ngoài các quy định về các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ, còn quy định về tổ chức công tác ATVSLĐ trong cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế độ bồi thường, trợ cấp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp...
Cấm xuất quỹ NSNN mà khoản chi đó không có trong dự toán
Luật ngân sách nhà nước năm 2015 bổ sung một số quy định các hành vi bị cấm trong lĩnh vực ngân sách nhà nước, trong đó có nội dung cấm xuất quỹ ngân sách nhà nước tại kho bạc nhà nước mà khoản chi đó không có trong dự toán đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định. Bổ sung quy định các cấp ngân sách và các đơn vị sử dụng ngân sách có trách nhiệm công khai tình hình thực hiện dự toán ngân sách; việc công khai phải kèm theo báo cáo thuyết minh; công khai kết quả thực hiện các kiến nghị của kiểm toán nhà nước; công khai các thủ tục ngân sách nhà nước; giám sát thực hiện ngân sách nhà nước của cộng đồng.
Cảnh sát môi trường được bố trí ở 3 cấp
Theo Pháp lệnh cảnh sát môi trường, cảnh sát môi trường là lực lượng chuyên trách thuộc Công an nhân dân thực hiện chức năng phòng, ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm hành chính về môi trường; chủ động, phối hợp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật về tài nguyên và an toàn thực phẩm có liên quan đến môi trường.
Về hệ thống cảnh sát môi trường, cảnh sát môi trường được bố trí ở ba cấp: Cục thuộc Bộ Công an; Phòng thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Đội thuộc Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương.
Chính sách hưởng BHXH một lần
Theo Nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động, trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia BHXH tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH khi có yêu cầu thì được nhận BHXH một lần.
Mức hưởng BHXH một lần đối với người tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện được tính theo số năm đã đóng BHXH.
Theo Hoàng Diên/chinhphu.vn