A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tập trung chống hạn, chuẩn bị tốt các điều kiện sản xuất trong vụ Mùa

(binhdinh.gov.vn) Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng khô hạn kéo dài, mực nước tại các hồ chứa giảm mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân. UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành NN, chính quyền các địa phương dốc toàn lực triển khai nhiều biện pháp chống hạn cho cây trồng vụ Hè Thu (HT), chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện thắng lợi Vụ Mùa năm 2015.

Tập trung chống hạn, chuẩn bị tốt các điều kiện sản xuất trong vụ Mùa. Ảnh minh họa

Vụ HT: Nhiều diện tích bị hạn

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp (NN) tỉnh, Vụ HT năm nay, sản xuất NN gặp nhiều khó khăn do hạn hán, thiếu nước tưới xảy ra tại nhiều địa phương trong tỉnh. Nắng hạn kéo dài đã làm cho 106/161 hồ chứa nước bị khô cạn, lưu lượng dòng chảy trên các dòng sông, suối giảm mạnh.

Đối với sản xuất nông nghiệp, tuy diện tích lúa HT đạt và vượt so với kế hoạch (42.455,7  ha lúa HT, trong đó lúa Hè 15.323 ha, lúaThu 27.132,7 ha), nhưng đã có hơn 6.395 ha lúa bị hạn. Số diện tích giảm năng suất chiếm 388 ha. Dự kiến đến nửa đầu tháng 7 số diện tích cây trồng bị hạn tăng lên 7.199 ha. Theo dự báo, tình trạng khô hạn sẽ tiếp tục gia tăng trên diện rộng, nhất là các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Hoài Ân, Hoài Nhơn, Tây Sơn...gây ảnh hưởng đến tình hình sản xuất và sinh hoạt tại một số địa phương trong tỉnh.

Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, cũng gặp không ít khó khăn, hiện nông dân trong tỉnh đã sử dụng trên 1.869 ha mặt nước nuôi tôm, chiếm 84,1% diện tích mặt nước hiện có, trong đó có 32,49 ha bị dịch bệnh, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2014.

Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, nắng hạn gay gắt khiến nhiều diện tích rừng bị chết, tình trạng cháy rừng đáng báo động, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 14 vụ cháy rừng gây thiệt hại 93,05 ha. Tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép cũng diễn biến khá phức tạp. 


Chủ động chống hạn, chuẩn bị mọi điều kiện để SX vụ Mùa

Theo ngành NN, vụ Mùa năm nay được dự báo sẽ tiếp tục nắng nóng kéo dài, chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro, gây hạn trên diện rộng. Dung tích các hồ chứa hiện nay so với cùng kỳ năm trước có cao hơn nhưng hầu hết các hồ chứa nhỏ đều ở mức rất thấp, gần đến dung tích chết của hồ. Do vậy, khả năng tưới và phục vụ sản xuất NN đều rất khó và cần ưu tiên nguồn nước để phục vụ sinh hoạt, nhu cầu dân sinh.

Vụ mùa năm nay, tỉnh ta có kế hoạch sản xuất 16.500 ha lúanăng suất 42 tạ/ha; dự kiến sản lượng 79.450 tấn, trong đó lúa sạ vụ 3 sản xuất 11.500 ha, lúa Mùa gieo khô 3.800 ha. Đối với các cây trồng cạn như bắp thực hiện 4.000 ha, năng suất 55 tạ/ha; đậu phụng 600 ha, năng suất 26 tạ/ha;  rau đậu các loại 4.750 ha. Đồng thời, tiếp tục duy trì và phát triển đàn gia súc, gia cầm...

Để đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra, tại Hội nghị sơ kết sản xuất vụ Hè Thu, triển khai sản xuất vụ Mùa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Thu Hà đã chỉ đạo ngành NN và chính quyền các địa phương chủ động triển khai các biện pháp để chống hạn cho cây trồng vụ HT, trong đó, ưu tiên cấp nước sinh hoạt cho nhân dân và nước cho đàn gia súc. Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ để ứng phó với hạn hán trong sản xuất NN và dân sinh vụ HT, vụ Mùa năm 2015. Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết, chủ động triển khai các biện pháp sản xuất và bảo vệ cây trồng, vật nuôi. Khoanh vùng diện tích các loại cây trồng, khu vực nào có thể cứu được thì tập trung nguồn nước cho vùng đó. Kiên quyết không để dân tự phát gieo sạ lúa những  khu vực không đảm bảo nước tưới nhằm hạn chế thiệt hại. Đối với những vùng hay bị hạn, cần tập trung đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Thực hiện các biện pháp tưới tiết kiệm nước.

Về thời vụ gieo sạ cho vụ Mùa, lịch gieo sạ từ cuối tháng 6 đến 15.7, lúa hè chín đến đâu thì thu hoạch đến đó và tiến hành gieo sạ lúa vụ 3, giống chủ lực là ĐV 108, VĐ8, PC6, TBR 36. Giống bổ sung gồm: DT45, ML202, ML48, ML214, KD28, VTNA 2, P6 đột biến. Vụ Mùa, cây trồng thường sinh trưởng trong điều kiện nắng nóng, có nhiều loại sâu bệnh gây hại cho lúa, do đó nông dân cần bón phân cân đối và phun thuốc bảo vệ thực vật theo quy tắc bốn đúng để lúa sinh trưởng và phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh gây hại.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, cần tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát đàn gia súc, gia cầm nhập tỉnh; tiếp tục tiêm phòng dịch bệnh lở mồm long móng, dịch cúm gia cầm và các loại dịch bệnh nguy hiểm khác cho gia súc, gia cầm. Đồng thời, cần tập trung đẩy mạnh thực hiện Chương trình cải tạo giống bò; triển khai lai tạo giống bò thịt chất lượng cao.

Lĩnh vực lâm nghiệp, cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý chăm sóc rừng trồng và phòng cháy chữa cháy rừng. Chủ động triển khai các phương án phòng, chống thiên tai có thể xảy ra bất thường, hạn chế thiệt hại trong sản xuất, đảm bảo an toàn cho người dân.../.

 

Nguyễn Thị Thanh

 


Tin nổi bật Tin nổi bật