A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

KỲ HỌP THỨ 11 HĐND TỈNH KHÓA XI: Tìm giải pháp thực hiện tốt nhiệm vụ 6 tháng cuối năm

Trong ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh khóa XI (8.7), sau khi nghe các báo cáo, tờ trình, các đại biểu HĐND tỉnh đã tập trung phân tích kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm và đề xuất các giải pháp phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm 2015.

Các đại biểu HĐND tỉnh thảo luận tại tổ.  Ảnh: VĂN LƯU

Làm gì để tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân có cuộc sống ổn định hơn, kiềm chế TNGT, kiểm soát tình hình an ninh nông thôn đang diễn biến phức tạp, bảo vệ tài nguyên, môi trường... là những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, có ý kiến.

Giải pháp tăng giá trị sản xuất nông nghiệp

Trên cơ sở kinh tế nông nghiệp của tỉnh đạt kết quả cao trong những năm qua nói chung và 6 tháng đầu năm 2015 nói riêng, đồng thời trăn trở với những khó khăn của nông dân, nhiều đại biểu HĐND tỉnh đã đề xuất các giải pháp nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp 6 tháng cuối năm. 

ĐB Lê Thanh Long (Tuy Phước) đề nghị từ nay đến cuối năm, tỉnh cần có giải pháp tăng giá thu mua nông sản để nông dân đỡ vất vả hơn, chỉ đạo ngành nông nghiệp tìm giống bắp có năng suất cao để cung ứng cho nông dân sản xuất, đón đầu nhu cầu nguyên liệu của nhiều nhà máy chế biến thức ăn gia súc hoạt động trên địa bàn tỉnh, vì trồng bắp sẽ cho thu nhập khá hơn các loại cây trồng khác. ĐB Mai Văn Ngọc (Tuy Phước) thì đề nghị Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định nên sớm khắc phục các kênh mương xuống cấp để kịp thời tưới tiêu cho đồng ruộng.

Đại biểu Huỳnh Anh Dũng (đơn vị Hoài Ân) nêu ý kiến tại thảo luận tổ.  Ảnh: VĂN LƯU

Đầu ra cho sản phẩm ngành chăn nuôi cũng là mối quan tâm của nhiều đại biểu. Phản ánh tình trạng người nuôi heo ở “vựa heo miền Trung” Hoài Ân lo lắng vì giá heo hơi đang chững lại và bị tư thương ép giá, ĐB Hoàng Anh Dũng (Hoài Ân) ý kiến: “Tôi đề nghị tỉnh xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh tại Hoài Ân, đồng thời hỗ trợ huyện Hoài Ân kết nối với Công ty TNHH một thành viên Việt Nam kỹ nghệ súc sản Vissan xây dựng điểm giết mổ, chế biến thực phẩm, tạo đầu ra cho nông sản của các huyện phía Bắc tỉnh. Huyện sẽ tạo điều kiện về mặt bằng xây dựng”.

Nhìn ở góc độ bao quát hơn, ĐB Lê Kim Toàn và Tôn Thất Thảo (Hoài Nhơn) đều cho rằng hiện nay, nông dân nhận được nhiều sự hỗ trợ của nhà nước và có sự chủ động trong việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đầu tư công nghệ, nhưng họ lại không thể chủ động việc tìm đầu ra cho sản phẩm của mình. “Tỉnh ta đang có nhiều địa phương đầu tư sản xuất giống lúa cho năng suất cao, lại nhiều doanh nghiệp chế biến thức ăn gia súc đóng trên địa bàn, vì vậy, cần phải có sự gắn kết, chủ động của “4 nhà” để doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm với giá ổn định thì người nông dân yên tâm sản xuất”, đại biểu Lê Kim Toàn nói.

ĐB Phan Trọng Hổ (An Nhơn), với tư cách là Giám đốc Sở NN&PTNT, cung cấp thêm: Thời gian tới, để đạt chỉ tiêu tăng thêm giá trị sản xuất nông nghiệp, cần có các giải pháp như chỉ đạo sản xuất vụ mùa; xúc tiến, tạo điều kiện triển khai các dự án dự kiến đầu tư vào Bình Định như liên kết trồng cỏ để phát triển chăn nuôi, xây dựng khu an toàn chăn nuôi heo, khu nuôi tôm công nghệ cao, phát triển rừng trồng sản xuất cây gỗ lớn...

Khai thác quá mức  khoáng sản phục vụ thi công: Không thể xem nhẹ

Theo ĐB Lê Thanh Long và ĐB Mai Văn Ngọc (Tuy Phước), hiện nay tỉnh đang tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển KT - XH của tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình thi công các nhà thầu thi công mất an toàn, gây ô nhiễm môi trường, nhất là khai thác khoáng sản đất, cát, đá phục vụ cho thi công công trình, vì vậy đại biểu này đề nghị tỉnh thường xuyên kiểm tra, giám sát, nhắc nhở các nhà thầu thi công đảm bảo an toàn, hạn chế ô nhiễm và đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm hoàn thành các tuyến đường đưa vào sử dụng.

Đại biểu Tôn Thất Thảo (Hoài Nhơn) thảo luận tại tổ.  Ảnh: VĂN LƯU

“Như việc lỏng lẻo trong cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác cát trên sông Lại đã dẫn đến hệ quả là khai thác chưa đúng nơi quy định, có nơi bị khai thác quá sâu. Xe chở cát chạy suốt đêm ở xã Hoài Đức, Hoài Hương gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Cử tri ý kiến nhiều nhưng chưa được xem xét, báo cáo rõ ràng”, ĐB Tôn Thất Thảo (Hoài Nhơn) dẫn chứng.

Còn ĐB Ngô Văn Công (Phù Mỹ) phản ảnh việc thi công mở rộng tuyến Quốc lộ 1A còn bất cập, khi có đoạn mặt đường nâng lên quá cao, gần bằng với nhà dân, đi lên đi xuống rất bất tiện; hệ thống thoát nước cũng “có vấn đề” vì chỉ vài cơn mưa nhỏ đã gây ngập. “Cử tri kiến nghị tỉnh xem xét giải quyết, chấn chỉnh trong lúc các nhà thầu còn đang thi công tại tỉnh. Nếu không mùa mưa tới sẽ gây ngập lụt nghiêm trọng, khi đó người dân sẽ khiếu kiện thì rất khó xử lý”, ông nói.

Thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy: Nơi được nơi không

Đây là vấn đề mà hai ĐB Trương Thiên Thành (Tây Sơn) và Trần Văn Trương (Tuy Phước) tỏ ra quan ngại vì cho đến nay tỉnh chưa có chế tài xử lý thực hiện đồng bộ, dẫn đến tình trạng có người nộp, người không; người thực hiện tốt lại chịu thiệt. Do đó, các đại biểu đề nghị tỉnh nên có giải pháp quyết liệt tạo sự đồng thuận để người dân thực hiện việc nộp phí bảo trì đường bộ đối với xe máy cho đồng bộ. ĐB Trương Thiên Thành nói: “Hiện Tây Sơn thu phí bảo trì đường bộ rất khó khăn. Cả năm 2014 chúng tôi thu được khá, đạt 80%, nhưng 6 tháng đầu năm 2015 thu mới được 10%, khoảng 81 triệu đồng”.

Về nội dung này, tham dự thảo luận tại tổ của đại biểu HĐND tỉnh, ông Trần Châu, Giám đốc Sở GTVT, giải đáp: Từ tháng 9.2013, tỉnh bắt đầu triển khai thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy. Năm 2014 tỉnh thu được số tiền tương đối lớn là 14 tỉ đồng, duy chỉ 2 huyện An Lão, Vân Canh đến nay vẫn chưa thu được. Theo quy định của Chính phủ và UBND tỉnh, thẩm quyền thu phí được giao cho UBND xã, phường, thị trấn và trực tiếp đi thu cũng là người của địa phương, nhưng thực tế thì có nơi thu được có nơi lại không. Nghị định 109/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định, nếu không chịu nộp phí người sử dụng phương tiện sẽ bị phạt mức phạt bằng 1 - 3 lần mức thu phí, chậm nộp cũng có quy định xử phạt; UBND cấp xã cũng có đủ thẩm quyền xử phạt, vấn đề là thực hiện như thế nào”.

“Trong 6 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh đã xảy ra 197 vụ TNGT, làm chết 96 người, bị thương 168 người, số liệu như vậy không phải là nhỏ, các ngành chức năng phải có biện pháp giảm tình trạng này. Tình hình an ninh nông thôn bất ổn, các băng nhóm thành lập ngày càng nhiều và trẻ hóa, dùng hung khí đánh nhau gây thương tích; tình trạng cờ bạc, số đề, trộm gà, chó... xảy ra nhiều, chính quyền địa phương, trong đó CA cần phải mạnh tay để xử lý, hạn chế. Theo tôi, phải kích các tổ an ninh nhân dân ở địa phương hoạt động bằng cách dùng Quỹ Quốc phòng - An ninh mua sắm trang thiết bị hỗ trợ và hỗ trợ kinh phí cho họ hoạt động”.

ĐB Mai Văn Ngọc (Tuy Phước)

Theo baobinhdinh.com.vn

 


Tin nổi bật Tin nổi bật