A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỳ họp thứ 11 HÐND tỉnh khóa XI: Thảo luận sôi nổi các tờ trình

Trong ngày làm việc thứ hai của kỳ họp thứ 11 HÐND tỉnh khóa XI (9.7), sau khi nghe các báo cáo, tờ trình, các đại biểu HÐND tỉnh đã tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp thực hiện có hiệu quả chính sách thu hút đối với bác sĩ (BS), dược sĩ (DS) công tác tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; tăng thêm “lực” cho công an xã (CAX) và tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp…

ĐB Nguyễn Minh Phụng (Phù Cát) đề nghị trước mắt nên giải bài toán thiếu BS - Ảnh:N.S

Băn khoăn chính sách thu hút nguồn nhân lực cao ngành Y tế

Vốn là người trong ngành Y, đại biểu (ĐB) Nguyễn Minh Phụng (Phù Cát) nhìn nhận nguyên nhân chính của việc tỉnh thiếu hụt BS, DS là do cách thức tổ chức quản lý chưa hiệu quả ở các bệnh viện khiến BS, DS giỏi bỏ việc, đến các địa phương khác, chủ yếu là vào TP Hồ Chí Minh tìm cơ hội tốt hơn, hoặc ra làm ngoài. ĐB Phụng cho rằng không nên thu hút BS, DS theo kiểu “cào bằng”, tràn lan mà cần xác định rõ đối tượng thu hút - “Ta chỉ  cần tiến sĩ chuyên môn, không cần quản lý. Cần BS, DS đại học cho bệnh viện cấp tỉnh, huyện, không cần cho trạm y tế xã. Trước mắt nên giải bài toán thiếu BS đã, khi có điều kiện thì làm tiếp bài toán khác. Với nghề Y không có chính sách nào ưu đãi tốt bằng chính sách thâm niên nghề”.

“Chính sách thu hút nguồn nhân lực cao ngành Y tế không thực tế và không đem lại hiệu quả cao như mong muốn, vì BS sẽ không về nông thôn, còn người có học hàm giáo sư, phó giáo sư sẽ không về tỉnh; quan trọng nhất là KT-XH phát triển, tạo ra nhiều công ăn việc làm. Thu hút nhân lực bằng chính sách thì không bền vững”

ÐB Võ Vinh Quang (An Nhơn)

Còn ĐB Lê Thị Kim Mai (Hoài Nhơn) nêu băn khoăn: “Tờ trình chỉ nêu những ưu đãi, đãi ngộ dành cho BS, DS khá cụ thể nhưng không có quy định ràng buộc nếu bỏ việc giữa chừng”. ĐB Ngô Văn Công (Phù Mỹ) còn nêu một bất hợp lý khác, lộ trình thực hiện chế độ ưu đãi chỉ có 5 năm, trong khi yêu cầu BS, DS làm việc 10 năm.

Một vấn đề nhạy cảm khác cũng được nhiều ĐB nhấn mạnh - đội ngũ BS, DS trình độ cao khi trở về địa phương là người có tâm huyết, thường không thiếu thốn về vật chất nhưng lòng tự ái, tự trọng cao, muốn năng lực chuyên môn, chất xám mình bỏ ra được tôn trọng, nên phải có cách bố trí công tác phù hợp.

Trước những băn khoăn này, ĐB HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng và BS Hồ Việt Mỹ, Giám đốc BVĐK tỉnh, thông tin thêm: Các tỉnh xung quanh ta như Quảng Ngãi, Quảng Nam, Phú Yên… đều ban hành chính sách như vậy, nếu Bình Định không ban hành chính sách thì BS của tỉnh bỏ đi hết. Về ý kiến chính sách còn thu hút tràn lan, cào bằng, ĐB Hồ Quốc Dũng trăn trở: “Nếu không vậy thì BS, DS nào vào các trung tâm DS-KHHGĐ, pháp y, phòng chống HIV/AIDS, về làm việc ở địa bàn khó khăn? Nếu không thu hút nhân lực làm công tác quản lý thì ai chịu về phòng y tế, về trạm y tế xã?

Để hoàn thiện nội dung quy định này, các ĐB đề nghị sửa lại đối tượng thu hút là BS chuyên khoa (không thu hút BS, tiến sĩ quản lý) được đào tạo cụ thể từ các trường ĐH Y Huế, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội; trạm y tế xã chỉ thu hút BS, không thu hút DS.

Đại biểu Nguyễn Văn Hào (Hoài Nhơn - người đứng) cho hay, hiện toàn tỉnh mới chỉ có 6 xã có trụ sở làm việc riêng cho công an xã - Ảnh: V.L

Nâng cao hiệu quả hoạt động cho công an xã

Tờ trình về việc quy định tiêu chuẩn và định mức trang bị phương tiện làm việc cho CAX trên địa bàn tỉnh được đa số ĐB thống nhất, vì đây là điều cần thiết. Tuy nhiên, cũng có một số ĐB tỏ ý băn khoăn về việc diện tích phòng làm việc của CAX có nơi còn nhỏ hẹp, thì sẽ không đủ chỗ để đặt các đồ dùng như tủ, giường, bàn ghế làm việc, và kinh phí thực hiện sẽ lấy từ nguồn nào.

ĐB Nguyễn Văn Hào (Hoài Nhơn) cho hay, hiện toàn tỉnh chỉ mới có 6 xã có trụ sở làm việc riêng cho CAX nên việc trang bị một số phương tiện, công cụ như tờ trình nêu chưa phù hợp vì không có chỗ cất giữ, bảo quản. Mặt khác, HĐND tỉnh cũng xem xét khi thông qua tờ trình này dành cho CAX, phải tính toán, đề xuất sao cho phù hợp. Bởi nếu không, ban chỉ huy quân sự xã cũng sẽ có những yêu cầu tương tự. ĐB Nguyễn Thị Đàng (Hoài Nhơn) còn kiến nghị nên mua BHYT cho lực lượng CAX, quân sự xã để động viên, khích lệ họ làm việc.

Trước các ý kiến trên, ĐB Phan Văn Thanh (Tây Sơn), với vai trò là Giám đốc CA tỉnh, giải thích thêm: “Nếu tờ trình được HĐND tỉnh thông qua thì CA tỉnh và các cơ quan chức năng sẽ tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ kinh phí về cho các huyện. Việc mua sắm các trang thiết bị sẽ được thực hiện dần dần. Trang thiết bị không chỉ là bàn ghế, tủ hồ sơ mà còn là xe mô tô, máy in, máy photocopy... để CAX làm nhiệm vụ tốt hơn, hiệu quả hơn”.

ĐB Phan Trọng Hổ (An Nhơn) đề nghị các tổ chức Mặt trận, hội - đoàn thể cùng tham gia tuyên truyền vận động nông dân giữ cam kết với doanh nghiệp - Ảnh:N.S

Người dân cần thực hiện đúng các cam kết với doanh nghiệp

Ngày thảo luận tổ thứ hai, các ĐB HĐND tỉnh tiếp tục dành nhiều thời gian để bàn giải pháp tìm đầu ra cho nông sản, tránh điệp khúc “được mùa mất giá” năm nào cũng xảy ra.

Đứng ở vai trò của người lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiều chuỗi liên kết bao tiêu đầu ra giữa doanh nghiệp (DN) - nông dân, bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nêu lên thực trạng nông dân hám lợi trước mắt đã tự động phá vỡ hợp đồng bao tiêu với  DN. Như thực hiện chuỗi liên kết sản xuất đậu phụng tại huyện Phù Cát, nông dân đã bán cho tư thương khi họ nâng giá mua cao hơn DN, hậu quả, DN chỉ còn nhận bao tiêu cho 2 trong tổng số 3 xã ký hợp đồng trước đó.

Bà Hà cho biết thêm, hiện tỉnh ta đang có 15 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi hoạt động nhưng đều phải đi mua muối từ bên ngoài vì muối tại địa phương không đạt chất lượng. Tuy nhiên khi lãnh đạo tỉnh và các ngành xuống huyện Phù Mỹ, Phù Cát vận động người dân sáp nhập ruộng muối, thực hiện cánh đồng lớn để sản xuất muối đạt yêu cầu thì người dân lại không muốn. “Chúng ta đang hướng đến xây dựng các chuỗi liên kết giữa nông dân - DN, để làm được điều này phải thực hiện cánh đồng lớn, trong khi quy mô ruộng sản xuất của chúng ta nhỏ, manh mún, đòi hỏi nông dân phải đồng lòng thực hiện. Hơn ai hết, người dân cũng phải thực hiện đúng các cam kết với DN”- Phó Chủ tịch Trần Thị Thu Hà nhấn mạnh.

Trước đó, trong phiên thảo luận tổ chiều 8.7, ĐB Phan Trọng Hổ (An Nhơn) cũng cho rằng: “Khi giá nông sản tăng, nông dân tự phá vỡ hợp đồng với DN để bán nông sản cho tư thương, trong khi trước đó DN hỗ trợ nông dân giống, vật tư (mua nợ). Tôi đề nghị các tổ chức Mặt trận, hội- đoàn thể cùng tham gia tuyên truyền, vận động nông dân, vì không thể phạt họ được”.

Nội dung Tờ trình về quy định một số chính sách đối với BS, DS công tác tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập:

- Hiện trạng: Với 789 BS và 49 DS hiện có, Bình Ðịnh đang thiếu hụt nhân lực ngành y trầm trọng, đạt tỉ lệ 5,26 BS/vạn dân và 0,33 DS/vạn dân. Tỉ lệ BS giỏi, BS trình độ cao và chuyên sâu thấp (chỉ có 2 tiến sĩ, 92 BS chuyên khoa cấp II (CKII), 61 thạc sĩ) đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân. Ðể đạt được mục tiêu năm 2020 có 9 BS/vạn dân và 2,2 DS/vạn dân như Chính phủ đề ra, dự kiến tỉnh sẽ thiếu 296 BS và 75 DS (chưa kể đến số người sẽ nghỉ hưu).

- Đối tượng áp dụng chính sách thu hút: BS, DS đại học ≤ 35 tuổi; BS nội trú, thạc sĩ y khoa, thạc sĩ dược, BS CKI, DS CK I ≤ 40 tuổi; BS CK II, DS CKII ≤ 45 tuổi; giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ ≤ 50 tuổi…

- Chính sách hỗ trợ một lần: Từ 80 triệu đến 400 triệu đồng/người tùy theo trình độ và nơi tuyển dụng, tiếp nhận. Ngoài ra, được hỗ trợ tiền thuê nhà 1 triệu đồng/tháng (nếu chưa có nhà) trong 5 năm và ưu tiên mua nhà ở trả góp trong 10 năm; được bố trí đất ở đối với các trường hợp tình nguyện về công tác ít nhất 10 năm tại các cơ sở y tế; hưởng chính sách ưu đãi hàng tháng từ 0,8- 3,5 hệ số theo mức tiền lương cơ sở.

- Nguồn kinh phí thực hiện: Ước trên 11,4 tỉ đồng/năm.

- Thời gian áp dụng quy định: Từ ngày 1.1.2016 đến ngày 31.12.2021. 

 

Theo NHÓM PV XÂY DỰNG ĐẢNG- NỘI CHÍNH/baobinhdinh.com.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật