A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi).

(binhdinh.gov.vn)-Sáng 14-9, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến của lãnh dạo các sở, ngành, địa phương và các nhà quản lý, các chuyên gia góp ý vào dự thảo Luật bảo vệ và phát triển rừng sửa đổi chuẩn bị trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14. Bà Lý Tiết Hạnh, Phó trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định chủ trì Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật bảo vệ và phát triển rừng sửa đổi

Dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) có 12 chương và 111 điều. So với Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004, tăng hơn 23 Điều và bổ sung 4 chương mới gồm: Chế biến, thương mại lâm sản; Hợp tác quốc tế trong lâm nghiệp; Giá rừng, đầu tư, tài chính trong lâm nghiệp; Quản lý nhà nước về lâm nghiệp;…

Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, Dự thảo Luật bảo vệ và phát triển rừng sửa đổi lần này phạm vi điều chỉnh rộng hơn và theo chuỗi từ khâu bảo vệ, sử dụng, chế biến, thương mại. Quy định cụ thể các chính sách của nhà nước đối với lâm nghiệp. Trong đó, khẳng định Nhà nước đầu tư bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng trọng điểm, trọng yếu của quốc gia và một số đầu tư công. Còn các nhiệm vụ khác được xã hội hóa, các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư. Dự thảo luật cũng đã có những đột phá quan trọng phục vụ tái cơ cấu ngành lâm nghiệp như: phát triển khoa học công nghệ, giá rừng, tài chính trong lâm nghiệp. Dự thảo Luật lần này cũng đã bổ sung, chỉnh sửa nhiều nội dung quan trọng về phạm vi điều chỉnh; bổ sung một số loại rừng trong phân loại rừng; về sở hữu rừng; về chính sách lâm nghiệp; chủ rừng; chỉnh sửa, bổ sung quy định về giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng và thu hồi rừng; quy định chặt chẽ việc chuyển mục đích sự dụng rừng sang mục đích khác ngoài lâm nghiệp; quy định về đóng, mở cửa rừng tự nhiên; về chế biến, thương mại lâm sản; về khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế về lâm nghiệp. …       

Một số đại biểu cũng đề xuất, để Dự thảo Luật sau khi được ban hành đi vào cuộc sống, trước hết luật phải giải quyết được những vấn đề đang gặp phải; Cần xem lâm nghiệp như là ngành kinh tế thay vì chỉ đơn thuần là bảo vệ như hiện nay. Đối với lĩnh vực lâm nghiệp không chỉ là lâm sản, không chỉ là gỗ mà cả môi trường và cần lượng hóa thành kinh tế. Bên cạnh đó phải giải quyết được vấn đề sinh kế của người dân bảo vệ rừng; cần tăng chế tài xử lý đối với các vi phạm trong quản lý, bảo vệ rừng; tăng nguồn tài chính tín dụng cho lâm nghiệp…

Ngoài ra, các đại biểu còn đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, cụ thể vào từng điều, khoản trong dự thảo Luật cũng như đề xuất các ý kiến về việc cụ thể hóa Luật và tổ chức thực hiện khi Dự thảo Luật được ban hành…

Các ý kiến góp ý vào dự thảo Luật bảo vệ và phát triển rừng sửa đổi sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định tổng hợp trình Quốc hội khóa 14 xem xét, thông qua kỳ họp thứ 4 sắp tới.

Tin - ảnh: XUÂN NGUYÊN


 

 


Tin nổi bật Tin nổi bật