A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một một số điều của Luật các tổ chức tín dụng

(binhdinh.gov.vn) - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định Lý Tiết Hạnh vừa chủ trì hội nghị lấy ý kiến của đại diện các ngân hàng, tổ chức tín dụng và lãnh đạo một số sở, ngành góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một một số điều của Luật các tổ chức tín dụng.

Quang cảnh hội nghị.

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Bình Định, sau 4 năm triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015”, đến nay, về cơ bản, việc cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng đã đạt được một số kết quả nhất định. Các tổ chức tín dụng yếu kém được nhận diện và được cơ cấu lại, không để xảy ra đổ vỡ tổ chức tín dụng ngoài tầm kiểm soát, đảm bảo giữ vững sự ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, tài sản của Nhà nước, nhân dân được bảo đảm an toàn. Hoạt động sáp nhập, hợp nhất diễn ra trên cơ sở tự nguyện, chủ yếu sử dụng các nguồn lực xã hội và không sử dụng trực tiếp tiền của ngân sách nhà nước. Số lượng tổ chức tín dụng đã giảm được khoảng 22 tổ chức; Sở hữu chéo, đầu tư chéo được xử lý một bước. Tình trạng cổ đông, nhóm cổ đông lớn thao túng ngân hàng được xử lý một bước cơ bản. Các tổ chức tín dụng đã tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu, đặc biệt là nỗ lực tự xử lý nợ xấu.

Tính đến ngày 31.12.2015, các tổ chức tín dụng đã xử lý được trên 493 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Đến ngày 31.12.2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng là 2,46%. Tuy nhiên, quá trình triển khai cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng cho thấy còn nhiều tồn tại, hạn chế. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng lần này nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; hạn chế, ngăn ngừa các tổ chức tín dụng yếu kém mới, xử lý các vướng mắc, bất cập trong quá trình cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến xung quanh những vấn đề chính như: Phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật các tổ chức tín dụng; Tính thống nhất của Dự thảo Luật sửa đổi lần này với Hiến pháp và các Luật khác; Căn cứ, nguyên tắc để xác định một tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt; Nguồn lực để thực hiện phương án cơ cấu lại nhằm đảm bảo tính khả thi của các quy định trong dự thảo luật; Thẩm quyền xử lý các tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt; Phương án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, trong đó bao gồm cả phương án tự phục hồi và xử lý pháp nhân; Thành lập, nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Kiểm soát đặc biệt; Miễn trừ trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt;…

Các ý kiến góp ý tại hội nghị sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định tổng hợp trình Quốc hội khóa XIV xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 4 sắp tới./.

 

Tin - ảnh: XUÂN NGUYÊN


Tin nổi bật Tin nổi bật