Đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh giám sát tình hình thực hiện các chính sách bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh
Quang cảnh buổi làm việc.
Theo báo cáo, toàn huyện hiện có 58.848 ha đất lâm nghiệp. Trong đó, đất có rừng 47.984 ha, đất rừng trồng 3.399 ha, độ che phủ của rừng đạt 66,2%. Diện tích đất có rừng ở Vĩnh Thạnh khá lớn, lại nằm giáp ranh với nhiều huyện khác trong tỉnh, giao thông cách trở, trong khi lực lượng kiểm lâm mỏng, phương tiện đi lại thiếu thốn nên công tác quản lý bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn; số vụ vi phạm Luật Bảo vệ - Phát triển rừng (BV-PTR) trên địa bàn vẫn còn ở mức cao. Tính từ năm 2010 đến năm 2014, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện và xử lý 987 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, tịch thu 1.381m3 gỗ các loại, tiến hành xử lý hình sự 8 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Tình trạng phá rừng làm nương rẫy, khai thác gỗ trái phép đang được ngăn chặn có hiệu quả. Việc giao khoán 24.416 ha rừng cho các hộ dân trong khu vực bảo vệ đã giúp người dân xóa đói giảm nghèo và rừng được bảo vệ tốt hơn, khắc phục tình trạng suy thoái của rừng, cải thiện môi trường sinh thái, phát huy có hiệu quả chức năng của rừng về phòng hộ, bảo vệ đa dạng sinh học, cung cấp, điều tiết nguồn nước, điều tiết dòng chảy, giảm tác hại của mưa bão, hạn hán, ngăn chặn xói mòn rửa trôi đất…
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, ông Đinh Yang King đánh giá cao kết quả thực hiện các chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dặc biệt khó khăn ở huyện Vĩnh Thạnh. Đặc biệt là những kết quả đạt được trong việc giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần giải quyết việc làm, tăng nguồn thu nhập cho người dân kết hợp quản lý bảo vệ rừng.
Về nhiệm vụ trong thời gian đến, ông Đinh Yang King đề nghị huyện Vĩnh Thạnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả chương trình trồng rừng, đặc biệt là dự án Jica 2 và phát triển trồng rừng nguyên liệu; vận động các hộ dân ở địa phương canh tác nương rẫy ổn định, không được vi phạm phá rừng, lấn chiếm rừng, đất lâm nghiệp trái phép làm nương rẫy; quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững các hệ sinh thái rừng, đặc biệt là diện tích rừng tự nhiên; tổ chức giao khoán chăm sóc bảo vệ rừng đối với diện tích rừng còn lại chưa giao; làm giàu rừng đối với diện tích rừng tự nhiên nghèo kiệt bằng biện pháp khoanh nuôi tái sinh, khoanh nuôi có trồng bổ sung, ưu tiên trồng cây bản địa, cây cho lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao, phù hợp với từng hệ sinh thái rừng; nâng cao vai trò của cộng đồng thôn trong quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Sử dụng hiệu quả các nguồn đầu tư phát triển lâm nghiệp; Dự án Phát triển lâm nghiệp, đặc biệt là nguồn vốn thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng./.
Tin, ảnh: Xuân Dũng