A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

5 năm thực hiện Đề án Phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020: Tạo chuyển biến tích cực

Sáng 24.9, Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 22 ngày 5.1.2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh. Hội nghị đã nêu lên những kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm cho thời gian tới.

Báo cáo tổng kết tại Hội nghị cho biết trong những năm qua ý thức tự giác của các gia đình trong việc xây dựng, giữ vững và phát huy danh hiệu Gia đình văn hóa ngày càng tăng.

  

Tại Hội nghị, UBND tỉnh đã tặng bằng khen cho 4 tập thể và 3 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh năm 2013 - 2014.

Góp phần nâng cao đời sống văn hóa

Toàn tỉnh hiện có 345.277/380.374 hộ được công nhận gia đình văn hóa, chiếm tỉ lệ 90,77%, tăng 2,31% so với năm 2010. Bà Xuân Hồng, đại diện gia đình văn hóa tiêu biểu ở thôn Thuận Đức (xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn), chia sẻ: “Chồng tôi là bệnh binh 81% nhưng được tín nhiệm giao nhiệm vụ làm bí thư chi bộ thôn, còn tôi là giáo viên. Gia đình tôi luôn nỗ lực, mang hết khả năng sẵn có để làm việc với quan điểm sống “cái gì có lợi cho mọi người thì cố gắng làm”, đồng thời nắm vững hoàn cảnh của từng hộ trong thôn để động viên, giúp đỡ. Hiện tại, trong thôn có đến 93,12% số hộ được công nhận gia đình văn hóa…”.

Phong trào xây dựng làng, thôn văn hóa cũng đạt được những kết quả đáng khích lệ. Đến nay, có 628/918 khu dân cư được công nhận danh hiệu làng văn hóa, thôn văn hóa, chiếm tỉ lệ 68% và tăng 24,88% so với năm 2010. Ngày càng nhiều địa phương có hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân. Ông Từ Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc, cho biết: “Phong trào phát triển văn hóa nông thôn được phát động và nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ. Việc xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Trung tâm VHTT xã, nhà văn hóa - khu thể thao thôn được đầu tư xây dựng đạt chuẩn nhờ sự phối hợp nhà nước và nhân dân cùng làm…”. 

So với năm 2010, trên địa bàn tỉnh đã có thêm 44 xã nâng cấp, xây dựng nhà văn hóa, nâng tổng số nhà văn hóa đạt 89/159 xã, phường, thị trấn. Ở các huyện, thị xã, thành phố cũng đã có 463/1.120 nhà văn hóa thôn, khu phố, tăng 358 nhà văn hóa so với năm 2010; cùng 78 nhà rông làng Bana và Chăm, 29 nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng làng Hre. Ngoài ra, còn có 773 trụ sở thôn có khả năng tổ chức một số hoạt động văn hóa ở cơ sở. Trên địa bàn tỉnh đã có 70% số thôn, làng, khu phố có thiết chế đáp ứng một số hoạt động văn hóa  cơ sở. Sau nhiều nỗ lực, hiện có 49 xã, 10 phường, thị trấn đã xây dựng Trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã… Ông Nguyễn Minh Đoan, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL kiêm Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh, cho biết: “Tính đến tháng 8.2015, đã có 14 xã được công nhận và bảo lưu danh hiệu xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới (chiếm tỉ lệ 11,5%). Đây là thành quả đáng ghi nhận vì năm 2010 chỉ mới có 2 xã trên địa bàn tỉnh được công nhận xã văn hóa”. 

Rút kinh nghiệm để triển khai thêm hiệu quả

Theo đánh giá tại Hội nghị, Đề án “Phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh được triển khai hiệu quả trong 5 năm qua là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, đoàn thể. Thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch tổng thể xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015, đồng thời thành lập và kiện toàn Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các cấp; phân công các sở, ban, ngành của tỉnh phụ trách từng tiêu chí. Đảng bộ, chính quyền tỉnh đã tập trung chỉ đạo, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, hưởng ứng tham gia nhà nước và nhân dân cùng làm, huy động các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia khác.

Bên cạnh những mặt đạt được, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như nhận thức của một bộ phận cán bộ các cấp và người dân về xây dựng văn hóa nông thôn mới còn hạn chế, bất cập, thụ động, trông chờ sự hỗ trợ của nhà nước mà chưa phát huy được vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư. Ban chỉ đạo các cấp, ngành còn nhiều lúng túng trong quá trình triển khai; một số ngành chưa thực sự vào cuộc. Không ít địa phương còn ngại khó, thiếu quyết tâm trong thực hiện xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, chương trình xây dựng nông thôn mới… Ông Nguyễn Minh Đoan cho biết: “Những ý kiến đóng góp trong Hội nghị sẽ giúp cho việc đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn Đề án trong 5 năm tới. Trong đó, sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh. Đây chính là giải pháp quan trọng để huy động sức mạnh tổng hợp của các nguồn lực cho sự phát triển văn hóa nông thôn…”.

Theo HOÀI THU (baobinhdinh.com.vn)


Tin nổi bật Tin nổi bật