Giao lưu trực tuyến về "Chế độ, chính sách BHXH, BHYT với người lao động”
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Mừng (trái) và Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Võ Năm đồng chủ trì buổi giao lưu.
Nội dung buổi giao lưu trực tuyến:
Xin Bảo hiểm xã hội cho chúng tôi biết, trường hợp ký kết hợp đồng khoán việc 3 tháng người lao động có phải bắt buộc đóng bảo hiểm xã hội không?
Căn cứ điểm a, Khoản 1 Điều 2 Luật BHXH số 58/2014/QH13 quy định "Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động". Trường hợp Ông hỏi theo quy định trên, thì cơ quan Ông phải tham gia và đóng BHXH cho Ông.
Chân thành cám ơn Ông!
Hoàng Minh Lâm - 14:24, 16/11/2017
Tôi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại công ty đã được 4 năm. Vừa rồi vợ tôi có sinh cháu nhưng là sinh non khi mới có 31 tuần tuổi. Vậy tôi được nghỉ bao nhiêu ngày theo chế độ của bảo hiểm và nếu được nghỉ thì tôi có được hưởng trợ cấp gì không?
Bà Văn Thị Hồng Thảo - Trưởng phòng chế độ BHXH - 07:43, 17/11/2017
Cảm ơn ông đã tham gia chương trình giao lưu trực tuyến về chính sách BHXH, BHYT
Khoản 2 Điều 34 Luật BHXH 2014 quy định lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con 31 tuần tuổi được nghỉ 07 ngày làm việc
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.
Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
Mức hưởng một ngày đối với trường hợp của ông được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày.
Điều 38 Luật BHXH 2014 quy định: “Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con”. (điều kiện: cha phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con)./.
Quang cảnh buổi giao lưu trực tuyến.
Huỳnh Ngọc Ân - 16:31, 15/11/2017
Xin quý cho quan cho chúng tôi biết lợi ích của việc đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, những độ tuổi nào được đóng BHXH tự nguyện, mức đóng và chế độ chi trả lương cho người đóng BHXH tự nguyện được hưởng bao nhiêu?
Ông Đặng Văn Lý - Phó Trưởng phòng Quản lý Thu phụ trách - 07:41, 17/11/2017
Khi tham gia BHXH tự nguyện, người dân được hưởng nhiều lợi ích, đó là khi đủ điều kiện về tuổi đời đã đóng BHXH đủ 20 năm trở lên thì được hưởng lương hưu theo quy định; được cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT khi nghỉ hưu và được hưởng quyền lợi khám, chữa bệnh như những người tham gia BHXH bắt buộc hưởng lương hưu; được hưởng chế độ tử tuất.
Tại khoản 4, Điều 2 Luật BHXH năm 2014 quy định công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, nếu không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc đều có thể đăng ký tham gia BHXH tự nguyện.
Tại khoản 1, Điều 87 Luật BHXH quy định : Mức đóng = Tỷ lệ đóng X mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng (tỷ lệ đóng hiện nay là 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở) . Bạn có thể chọn phương thức đóng hàng tháng, quý, 6 tháng hoặc 12 tháng/lần, Một lần cho nhiều năm về sau với mức thấp hơn mức đóng hằng tháng hoặc một lần cho những năm còn thiếu với mức cao hơn mức đóng hằng tháng so với quy định tại Điều này.
Xin cảm ơn câu hỏi của Ông, Bà!
Hoàng Minh Tài - 09:56, 16/11/2017
Lao động nam được nghỉ bao lâu khi vợ sinh con? Thời hạn cuối nghỉ khi vợ sinh là bao nhiêu ngày kể từ khi vợ sinh?
Bà Văn Thị Hồng Thảo - Trưởng phòng chế độ BHXH - 07:49, 17/11/2017
Cảm ơn ông đã tham gia chương trình giao lưu trực tuyến về chính sách BHXH, BHYT
Khoản 2 Điều 34 Luật BHXH 2014 quy định lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:
a) 05 ngày làm việc;
b) 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;
c) Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;
d) Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con./.
Huỳnh Tấn Cường - 16:24, 15/11/2017
Xin quý cơ quan cho chúng tôi biết đối tượng nào phải đóng bảo hiểm thất nghiệp? khi người lao động thất nghiệp thì được hưởng bảo hiểm thất nghiệp là bao nhiêu tháng?
Ông Đặng Văn Lý - Phó Trưởng phòng Quản lý Thu phụ trách - 07:50, 17/11/2017
Tại Điều 43 Luật việc Làm 2013 quy định : Đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp như sau:
1. Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau:
a) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;
b) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;
c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động quy định tại khoản này thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
2. Người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này đang hưởng lương hưu, giúp việc gia đình thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
3. Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động quy định tại khoản 1 Điều này.
Tại khoản 2, Điều 50 Luật việc Làm 2013 quy định: Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Chân thành cám ơn Ông!
Các cán bộ Bảo hiểm xã hội tỉnh đang trả lời câu hỏi giao lưu trực tuyến.
Hà Chí Thúc - 07:25, 17/11/2017
Tôi là lao động nam, năm nay 58 tuổi và đã tham gia bảo hiểm xã hội được 34 năm. Do sức khỏe tôi không được tốt nên chưa đến tuổi nghỉ hưu nhưng tôi xin công ty cho phép nghỉ sớm và bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội đợi đến khi 60 tuổi thì nghỉ hưu. Cho tôi hỏi đến lúc tròn 60 tuổi thì lương hưu của tôi khoảng bao nhiêu %?
Bà Văn Thị Hồng Thảo - Trưởng phòng chế độ BHXH - 07:52, 17/11/2017
Cảm ơn ông đã tham gia chương trình giao lưu trực tuyến về chính sách BHXH –BHYT. Xin trả lời câu hỏi của ông như sau:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện theo quy định được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:
- Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;
- Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.
Sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, người lao động được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Như vậy khi ông 60 tuổi sẽ được hưởng mức lương hưu với tỷ lệ tối đa bằng 75%./.
Các cán bộ Bảo hiểm xã hội tỉnh đang trả lời câu hỏi giao lưu trực tuyến.
Lê Thị Ngọc Nhi - 15:46, 15/11/2017
Con tôi 5 tuổi, tôi mới chuyển hộ khẩu từ Tp HCM về Bình Định, chưa kịp làm thủ tục chuyển BHYT cho bé thì bé bị bệnh. Con tôi có được KCB tại Bình Định theo BHYT không?
Ông Nguyễn Đức Anh - Trưởng phòng Giám định BHYT - 07:58, 17/11/2017
Rất cảm ơn chị Ngọc Nhi đã tham gia buổi giao lưu trực tuyến.
Trường hợp của con chị nếu cháu đến khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp cấp cứu thì trình thẻ BHYT ở bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào có ký hợp đồng KCB BHYT sẽ được hưởng đúng quyền lợi BHYT. Trường hợp khám bệnh, chữa bệnh không trong trường hợp cấp cứu thì sẽ hưởng quyền lợi 100% chi phí từ tuyến huyện trở xuống. Nếu khám chữa bệnh nội trú tuyến tỉnh hưởng 60% chi phí KCB BHYT, nội trú tuyến trung ương hưởng 40% chi phí KCB BHYT. Nếu tự đến khám ngoại trú tại tuyến tỉnh và tuyến trung ương thì không được hưởng chế độ BHYT./.
Nguyễn Anh Thoa - 15:42, 15/11/2017
Tôi được bác sĩ chẩn đoán là bị lệch cơ mặt, nguyên nhân có thể là do chèn mạch máu não. Tôi cầm BHYT đi chụp cắt lớp nhưng sau đó không đưuọc thanh toán theo y lệnh của bác sĩ. Trường hợp này tôi có được hưởng BH không? Thủ tục truy lĩnh?
Ông Nguyễn Đức Anh - Trưởng phòng Giám định BHYT - 07:59, 17/11/2017
Cảm ơn anh đã tham gia buổi giao lưu trực tuyến về chế độ, chính sách BHXH-BHYT.
Để dễ dàng trả lời cho câu hỏi của anh, đề nghị anh nói rõ nơi anh đến chụp cắt lớp vi tính và nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu trên thẻ BHYT.
Hoàng Thị Hồng Loan , 30 tuổi - 08:58, 15/11/2017
Tôi đóng BHXH bắt buộc được 3 năm. Năm 2016, tôi mắc bệnh suy thận mãn tính, đã được cơ quan BHXH thanh toán chế độ ốm đau dài ngày. Xin hỏi, năm 2017, tôi đã nghỉ hết 180 ngày chế độ ốm đau thì theo Luật BHXH mới, chế độ này của tôi được giải quyết thế nào? Do sơ suất, đơn vị tôi đề nghị thanh toán chế độ ốm đau, thai sản cho người lao động hưởng từ tháng 2/2016 nhưng tháng 9/2017 đơn vị mới nộp hồ sơ thanh toán chế độ cho cơ quan BHXH. Vậy trường hợp này, đơn vị tôi có phải làm văn bản giải trình gửi cơ quan BHXH không?
Bà Văn Thị Hồng Thảo - Trưởng phòng chế độ BHXH - 08:13, 17/11/2017
Cảm ơn ông đã tham gia chương trình giao lưu trực tuyến về chính sách BHXH, BHYT
Khoản 2 Điều 26 Luật BHXH 2014 quy định:
Người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau như sau:
a) Tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần;
b) Hết thời hạn hưởng chế độ ốm đau quy định tại điểm a khoản này mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.
Khoản 2 Điều 28 quy định mức hưởng chế độ ốm đau theo tháng bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
Sau 180 ngày, nếu ông vẫn hưởng tiếp chế độ ốm đau thì mức hưởng được quy định như sau bằng 50% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc (đóng BHXH dưới 15 năm)
Khoản 2 Điều 102 Luật BHXH quy định: "Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ quy định tại Điều 100 và Điều 101 của Luật này nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội". Trường hợp đơn vị ông nộp chậm hồ sơ thanh toán chế độ BHXH lao động cần kèm bản giải trình lý do chậm trễ hồ sơ./.
Hoàng Thị Nhung , 29 tuổi - 09:04, 15/11/2017
Xin hỏi tôi đóng BHXH từ tháng 10/2015 đến tháng 4/2017 mức lương là 2.800.000 đồng, tháng 7/2017 tôi đóng BHXH với mức lương 4.000.000 đồng. Đến ngày 20/07/2017 tôi sinh, vậy cách tính hưởng chế độ thai sản của tôi như thế nào?
Bà Văn Thị Hồng Thảo - Trưởng phòng chế độ BHXH - 08:12, 17/11/2017
Cảm ơn bà đã tham gia chương trình giao lưu trực tuyến về chính sách BHXH, BHYT
Trường hợp bà nghỉ Sinh con ngày 20/7/2017 thì mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau:
- Lương bình quân 6 tháng trước thời điểm sinh con: (2.800.000 X 5 (tháng) + 4.000.000)/6 = 3.000.000
- Trợ cấp 1 lần khi sinh con bằng 2 tháng lương tối thiểu: 2 x 1.300.000 = 2.600.000
=> Tổng tiền trợ cấp = 3.000.000 x 6 (tháng) + 2.600.000 = 20.600.000./.
Hồ Nhật Khanh - 07:43, 17/11/2017
Gia đình tôi có 6 người. 2 người có BHYT của cơ quan làm việc, còn lại là mua tự nguyện. Chúng tôi có được giảm trừ điều kiện nào không? Nếu mua đủ 4 người, chúng tôi phải dùng bao nhiêu tiền?
Ông Đặng Văn Lý - Phó Trưởng phòng Quản lý Thu phụ trách - 08:14, 17/11/2017
Theo quy định tại điểm g, khoản 1, Điều 2, Nghi định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ: Mức đóng của tất cả các thành viên trong hộ gia đình theo quy định tại Khoản 5, Điều 12 sửa đổi, bổ sung của Luật BHYT như sau: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Cụ thể mức đóng hiện nay:
- Người thứ nhất: 4,5% x 1.300.000 đồng x 12 tháng = 702.000 đồng;
- Người thứ hai: 702.000 đồng x70% = 491.400 đồng;
- Người thứ ba: 702.000 đồng x 60% = 421.200 đồng;
- Người thứ tư: 702.000 đồng x 50% = 351.000 đồng;
- Người thứ năm trở đi: 702.000 đồng x 40% = 280.800 đồng.
Theo quy định trên thì đối với trường hợp gia đình Ông phải đóng cho 4 người với tổng số tiền là: 1.965.600 đồng.
Cảm ơn ông đã tham gia buổi giao lưu trực tuyến hôm nay./.