Giao lưu trực tuyến về khám chữa bệnh bảo hiểm y tế
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Mừng và Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thị Tuyết Nhung đồng chủ trì buổi giao lưu trực tuyến.
Nội dung buổi giao lưu trực tuyến:
Hoàng Anh Tú, 37 tuổi - 08:53, 01/11/2018
Mẹ của tôi 80 tuổi, bị bệnh về huyết áp, tiền đình, tim mạch. Trước đây mẹ tôi theo dõi khám tại bệnh viện tuyến huyện. Do chữa trị tại viện tuyến dưới không có hiệu quả nên bác sỹ tư vấn chuyển lên khám bệnh và chữa trị lâu dài tại Bệnh viện đa khoa tỉnh. Xin hỏi tôi muốn xin chuyển thẻ BHYT từ tuyến dưới lên trên để khám bệnh lâu dài cho mẹ tôi thì cần thủ tục gì?
Ông Hà Anh Thạch - Trưởng phòng Nghiệp vụ Y tế - 08:23, 05/11/2018
Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 9 Thông tư số 40/2015/TT-BYT ngày 16/11/2015 của Bộ Y tế quy định đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; người từ đủ 80 tuổi trở lên được đăng ký KCB BHYT ban đầu tại cơ sở KCB tuyến tỉnh, tuyến trung ương. Vì vậy, trường hợp mẹ bạn được đăng ký KCB BHYT ban đầu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Trong tháng đầu mỗi quý, người có thẻ BHYT liên hệ cơ quan Bảo hiểm xã hội nơi phát hành thẻ BHYT để chuyển đổi nơi đăng ký KCB BHYT ban đầu.
Quang cảnh buổi giao lưu trực tuyến.
Vừa qua, tôi bị ốm vào ngày nghỉ và đi khám, chữa bệnh tại phòng khám dịch vụ, phải đóng toàn bộ tiền khám và tiền thuốc. Xin hỏi, nếu tôi mang hóa đơn tiền thuốc gửi cho BHXH thì có được giải quyết thanh toán lại tiền thuốc hay không? Mức thanh toán như thế nào?
Cảm ơn bạn đã tham gia chương trình giao lưu trực tuyến về KCB BHYT. Câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau:
Mức thanh toán trực tiếp thực hiện theo quy định tại Khoản 3, Điều 16, Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC: Người tham gia BHYT khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế không có hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT, không trong tình trạng cấp cứu: Thanh toán theo chi phí thực tế trong phạm vi được hưởng nhưng tối đa không vượt quá 60.000 đồng (mức quy định tại Phụ lục 04 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC).
Cán bộ tham gia trả lời câu hỏi tại buổi giao lưu trực tuyến.
Lê Thị Hải - 14:46, 02/11/2018
Mẹ tôi thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm HT 3. Vừa rồi mẹ tôi có đi phẫu thuật nội soi u tuyến yên. Mẹ tôi sẽ được quỹ bảo hiểm y tế chi trả chi phí khám chữa bệnh như thế nào?
Ông Hà Anh Thạch - Trưởng phòng Nghiệp vụ Y tế - 09:07, 05/11/2018
Mã đối tượng HT3 (hưu trí) được quỹ BHYT thanh toán 95% chi phí KCB BHYT (theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế).
Hà Ngọc Giao - 19:02, 04/11/2018
Bệnh nhân khám BHYT có được thanh toán khi chụp cắt lớp não không?
Ông Hà Anh Thạch - Trưởng phòng Nghiệp vụ Y tế - 09:00, 05/11/2018
Được thanh toán theo đúng chỉ định của bác sỹ điều trị.
Hoàng Ngọc Vinh - 15:47, 01/11/2018
Mua BHYT bao lâu thì được điều trị theo BH tại bệnh viện?
Ông Hà Anh Thạch - Trưởng phòng Nghiệp vụ Y tế - 08:57, 05/11/2018
Giá trị sử dụng của thẻ BHYT được ghi trên thẻ BHYT.
Tuỳ nhóm đối tượng tham gia BHYT mà thời điểm thẻ BHYT có giá trị sử dụng khác nhau theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Luật Bảo hiểm y tế.
Trường hợp tham gia BHYT lần đầu và thuộc nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng, tham gia BHYT theo hộ gia đình thì giá trị sử dụng (được KCB BHYT) là sau 30 ngày kể từ ngày đóng BHYT.
Lâm Trường Vỹ - 14:43, 02/11/2018
Bố của tôi là cán bộ hưu trí, thẻ BHYT mã quyền lợi số 2. Bố tôi bị đau tim, sau khi điều trị tại bệnh viện tuyến huyện thì được giới thiệu lên tuyến tỉnh và tỉnh giới thiệu lên Bệnh viện Chợ rẫy (TP.HCM) Bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai có chỉ định bố tôi phải đặt stent động mạch. Vậy, bố của tôi được hưởng quyền lợi BHYT như thế nào?
Ông Hà Thúc Chí - PGĐ Bảo hiểm xã hội tỉnh - 08:56, 05/11/2018
Cảm ơn bạn đã tham gia chương trình giao lưu trực tuyến về KCB BHYT. Câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau:
Theo quy định tại Thông tư 04/TT-BYT ban hành danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với VTYT thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT: Mức thanh toán tổng chi phí vật tư y tế cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật đặt stent không vượt quá 45 tháng lương cơ sở. Trường hợp của ba bạn là đối tượng tham gia bảo hiểm y tế có mức hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh: Mức thanh toán tổng chi phí vật tư y tế của người bệnh trong một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật = 45 x 100% x 1.390.000 = 62.550.000 đồng.Trong đó chi phí cho stent thứ nhất không vượt quá 36.000.000 đồng. Chi phí cho stent thứ 2 tối đa không quá 18.000.000 đồng. Những VTYT khác sẽ tính theo thực tế sử dụng.
Cán bộ tham gia trả lời câu hỏi tại buổi giao lưu trực tuyến.
Hoàng Minh Dũng , 45 tuổi - 08:54, 01/11/2018
Cho tôi hỏi, tôi tôi có BHYT ở tỉnh Bình Định nhưng tôi đi công tác dài ngày ở TP. HCM, tôi đang có nhu cầu khám, chữa bệnh ở một bệnh viện tại TP. HCM nhưng không có giấy chuyển viện. Vậy có được thanh toán bảo hiểm y tế không? Vì nếu về xin giấy chuyển viện thì hơi lâu. Xin cảm ơn!
Ông Hà Anh Thạch - Trưởng phòng Nghiệp vụ Y tế - 08:38, 05/11/2018
Theo quy định tại khoản 6 Điều 11 Thông tư số 40/2015/TT-BYT ngày 16/11/2015 của Bộ Y tế quy định đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; Trường hợp người tham gia bảo hiểm y tế đi công tác, học tập, làm việc lưu động hoặc tạm trú dưới 12 tháng tại địa phương khác thì được khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa phương đó tương đương với tuyến của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ bảo hiểm y tế.
Trường hợp của bạn được KCB BHYT tại cơ sở KCB BHYT tại TP. Hồ Chí Minh (cùng tuyến với nơi đăng ký KCB BHYT ban đầu tại Bình Định). Khi đi KCB, ngoài thẻ BHYT, giấy tờ tuỳ thân có ảnh theo quy định, bạn cần xuất trình giấy tờ cử đi công tác còn thời hạn của cơ quan.
Tôi có BHYT tại TPHCM. Vừa rồi, tôi và gia dình đi du lịch tại Quy Nhơn thì mắc bệnh về da nặng. Tôi buộc phải điều trị tại Bệnh viện Da liễu Trung Ương Quy Hòa. Tại đây, bệnh viện đã từ chối bảo hiểm của tôi. Điều này đúng hay sai, tôi muốn biết roc hơn về luật điều trị BHYT trái tuyến. Cảm ơn!
Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa là bệnh viện tuyến Trung ương.
Trường hợp bạn thuộc diện cấp cứu (do bác sỹ điều trị của bệnh viện xác định) sẽ được thanh toán chi phí KCB BHYT đầy đủ như khi đi KCB đúng tuyến.
Trường hợp bạn không thuộc diện cấp cứu thì đây là trường hợp tự đi KCB không đúng tuyến; mức hưởng theo quy định tại khoản 3 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế: 40% chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng của nhóm đối tượng tham gia BHYT, không được thanh toán chi phí KCB trong trường hợp điều trị ngoại trú.
Nguyễn Thế Thành - 14:38, 02/11/2018
Cho tôi hỏi, khi KCB không đúng cơ sở đăng ký KCB ban đầu hoặc không theo tuyến chuyên môn kỹ thuật, thì tôi phải đóng bao nhiêu % chi phí?
Cảm ơn bạn đã tham gia chương trình giao lưu trực tuyến về KCB BHYT. Câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau
Theo quy định tại Điều 26,27 và 28 Luật Bảo hiểm y tế và Khoản 4 và 5, Điều 22 của Luật số 46/2014/QH13 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế quy định. Quyền lợi của bệnh nhân được hưởng chế độ BHYT, quy định như sau:
- Trường hợp khám bệnh, chữa bệnh không đúng nơi đăng ký ban đầu:
+ Tại bệnh viện tuyến Trung ương 40% chi phí nội trú
+ Tại bệnh viện tuyến tỉnh 60% chi phí nội trú, 100% chi phí nội trú từ ngày 01/01/2021 trong phạm vi cả nước
+ 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh nội trú tại các bệnh viện huyện trong phạm vi cả nước.
+ 100% chi phí khi đăng ký ban đầu tại các trạm y tế xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám bệnh, chữa bệnh tại trạm y tế xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh.
- Trong trường hợp cấp cứu được hưởng 100% chi phí tại bất cứ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào có ký hợp đồng KCB BHYT.
Nguyễn Thành Long - 08:23, 05/11/2018
Tôi đăng ký nơi khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế ban đầu ở Bệnh viện quân y 13. Nếu tôi đi khám bệnh viện Đa khoa tỉnh có được chi trả không? Nếu có là bao nhiêu phần trăm?
Cảm ơn bạn đã tham gia chương trình giao lưu trực tuyến về KCB BHYT. Câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau
Nếu đăng ký KCB ban đầu tại BV Quân Y 13 khi đến điều trị ngoại trú tại Bệnh viện đa khoa tỉnh sẽ không được thanh toán chế độ BHYT, trừ trường hợp cấp cứu. Nếu điều trị nội trú sẽ được hưởng 60% chi phí theo quy định chi trả của quỹ BHYT.
Bệnh nhân có BHYT được nằm viện trong bao lâu? Hạn mức thanh toán cho bệnh nhân chạy thận là bao nhiêu?
Cảm ơn bạn đã tham gia chương trình giao lưu trực tuyến về KCB BHYT. Câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau
Thời gian nằm viện tùy theo chỉ định của bác sĩ căn cứ vào tình hình bệnh tật của người bệnh. Theo quy định 1 lần chạy thận nhân tạo quỹ BHYT thanh toán 543.000 đồng, các chi phí thuốc, máu, tiền giường, xét nghiệm... được thanh toán theo thực tế sử dụng. Bệnh nhân sẽ được thanh toán theo số lần chạy không có quy định hạn mức.
Cho tôi hỏi tôi đang nằm điều trị nội trú tại bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, trong quá trình điều trị tôi bị bệnh khác không thuộc chuyên khoa của bệnh viện đó, bệnh viện tôi đang điều trị chuyển tôi dến bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định để điều trị, vậy tôi có được hưởng chi phí vận chuyển theo chế độ BHYT không, mức hưởng BHYT của thẻ BHYT tôi là 100% và tôi đi đúng tuyến.
Cảm ơn bạn đã tham gia chương trình giao lưu trực tuyến về KCB BHYT. Câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau
Chi phí vận chuyển được quỹ BHYT chi trả khi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện đúng quy định tại Khoản 1, Điều 5 Thông tư số 14/2014/TT-BYT quy định việc chuyển tuyến giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cụ thể như sau:
- Các đối tượng quy định tại các Điểm d, e, g, h và i, Khoản 3, Điều 12 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung được quỹ BHYT chi trả chi phí vận chuyển khi người bệnh đang Điều trị nội trú hoặc cấp cứu phải chuyển lên tuyến trên trong các trường hợp sau:
+ Từ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện lên tuyến tỉnh;
+ Từ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện lên tuyến Trung ương;
Trường hợp của bạn chuyển viện từ tuyến tỉnh sang tuyến tỉnh sẽ không được thanh toán chi phí vận chuyển.
Mai Thị Trúc Linh - 08:46, 05/11/2018
Cho tôi hỏi em gái tôi bị đục thủy tinh thể và phải mổ mắt. Cho tôi hỏi nếu thẻ bảo hiểm y tế của em tôi được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở bệnh viện tuyến huyện thì em có thể được bệnh viện chuyển thẳng lên tuyến trung ương hay không? Hay bắt buộc phải chuyển lên bệnh viện tuyến tỉnh rồi mới chuyển lên bệnh viện tuyến trung ương?
Theo quy định chuyển tuyến KCB BHYT thì bệnh viện tuyến huyện chuyển lên bệnh viện tuyến tỉnh, nếu vượt quá khả năng điều trị thì bệnh viện tuyến tỉnh mới chuyển lên tuyến trung ương.
Trần Hà Minh - 09:20, 05/11/2018
Bệnh của tôi điều trị có liên quan đến thuốc Cefepim. Bệnh viện từ chối thanh toán BHYT về loại thuốc này. Tôi rất hoang mang, cần được quý Sở tư vấn để rõ hơn.
Cảm ơn bạn đã tham gia chương trình giao lưu trực tuyến về Khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau
Theo quy định của Thông tư 40/2014/TT-BYT ngày 17/11/2014 của Bộ Y tế Ban hành và hướng dẫn thực hiện danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế (Thông tư 40): Thuốc Cefepim là thuốc kháng sinh thuộc nhóm chống nhiễm khuẩn, chỉ được sử dụng và thanh toán cho bệnh nhân tham gia bảo hiểm y tế khi đến khám chữa bệnh tại bệnh viện hạng 1 và hạng 2. Mặt khác, thuốc chỉ sử dụng để điều trị cho người bệnh khi các thuốc khác trong nhóm điều trị không có hiệu quả và phải được hội chẩn trước khi sử dụng (Khoản 6, Điều 5).
Như vậy để được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán khi sử dụng thuốc Cefepim cho người bệnh, phải thỏa mãn hai điều kiện sau:
1/ Người bệnh đang khám chữa bệnh đúng tuyến ghi trên thẻ bảo hiểm y tế tại bệnh viện hạng 1 (Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định, Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa) hoặc hạng 2 (Trung tâm y tế thành phố Quy Nhơn, Bệnh viện đa khoa khu vực Bồng Sơn và Bệnh viện đa khoa khu vực Phú Phong);
2/ Bệnh viện tiến hành hội chẩn về việc sử dụng thuốc Cefepim theo đúng quy định của Thông tư 40 nói trên.
Lê Văn Nam , 35 tuổi - 08:57, 01/11/2018
Mẹ tôi có BHYT theo diện người có công với cách mạng, miễn phí 100% tiền khám chữa bệnh nếu khám đúng tuyến. Trong trường hợp mẹ tôi xin được giấy chuyển viện từ tuyến dưới để ra khám chữa tại tuyến Bệnh viện nội tiết Trung ương, nếu có giấy hẹn tái khám của bác sĩ bệnh viện tuyến TW thì lần tái khám mẹ tôi có phải xin giấy chuyển viện nữa không?
Trường hợp sử dụng Giấy chuyển tuyến và Giấy hẹn khám lại trong KCB BHYT được quy định tại Điều 12 Thông tư số 40/2015/TT-BYT ngày 16/11/2015 của Bộ Y tế quy định đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Nếu trường hợp mẹ bạn mắc bệnh thuộc các bệnh, nhóm bệnh quy định tại Phụ lục 01 ban hành kèm Thông tư số 40/2015/TT-BYT thì Giấy chuyển tuyến có giá trị đến hết ngày 31/12 của năm dương lịch (chuyển tuyến một lần được sử dụng đến hết năm dương lịch, không phải làm lại thủ tục chuyển tuyến); trường hợp khác thì phải có thủ tục chuyển tuyến lại.
Đối với Giấy hẹn khám lại thì mỗi giấy chỉ sử dụng 01 lần theo thời gian ghi trong giấy hẹn; có giá trị sử dụng 10 ngày làm việc, kể từ ngày ký.
Lương Trung Định - 14:27, 02/11/2018
Điều kiện thanh toán mới của BHYT đối với các dịch vụ kỹ thuật y tế (DVKT) phục hồi chức năng được quy định như thế nào?
Cảm ơn bạn đã tham gia chương trình giao lưu trực tuyến về KCB BHYT. Câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau
Điều kiện thanh toán mới của BHYT đối với các dịch vụ kỹ thuật y tế (DVKT) phục hồi chức năng được quy định tại Khoản 4 Điều 7 Thông tư 50/2017/TT-BYT về sửa đổi quy định liên quan đến thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành (có hiệu lực từ ngày 01/03/2018), theo đó:
1. Các DVKT phục hồi chức năng phải do người hành nghề có phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trên chứng chỉ hành nghề hoặc quyết định bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn về phục hồi chức năng thực hiện.
2. Tổng số DVKT phục hồi chức năng thanh toán tối đa không quá 06 DVKT/ngày, trong đó:
a) Các kỹ thuật vận động trị liệu thanh toán tối đa 03 kỹ thuật/ngày, trong đó các kỹ thuật tương đương với kỹ thuật vận động toàn thân thanh toán tối đa 02 kỹ thuật/ngày;
b) Các kỹ thuật hoạt động trị liệu thanh toán tối đa 02 kỹ thuật/ngày;
c) Các kỹ thuật ngôn ngữ trị liệu thanh toán 02 kỹ thuật/ngày;
d) Các kỹ thuật vật lý trị liệu thanh toán tối đa 04 kỹ thuật/ngày.
Trên đây là tư vấn về điều kiện thanh toán mới của BHYT đối với các dịch vụ kỹ thuật y tế (DVKT) phục hồi chức năng. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn nên tham khảo tại Thông tư 50/2017/TT-BYT.
Tôi đăng ký BHYT KCB tại Bệnh viện thành phố, bây giờ tôi muốn KCB tại Bệnh viện mở rộng tỉnh Bình Định (đường Phạm Ngọc Thạch). Tôi có được hưởng chế độ BHYT ở tại đó không?
Cảm ơn bạn đã tham gia chương trình giao lưu trực tuyến về KCB BHYT. Câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau
Bạn đăng ký KCB BHYT tại TTYT thành phố Quy Nhơn sẽ được khám bệnh, chữa bệnh tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định- Phần mở rộng. Quyền lợi được hưởng như khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến. Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định- Phần mở rộng là bệnh viện ngoài công lập nên bệnh nhân phải tự đóng thêm phí dịch vụ do bệnh viện quy định.