Hạt của chúa, ruộng lúa ở Quy Nhơn
Người ta tưởng tượng nếu các hạt cơ bản không có khối lượng, chúng sẽ bơ vơ điên đảo với vận tốc ánh sáng, vũ trụ sẽ hỗn loạn như một bát súp. Khối lượng đó, trông cậy vào hạt Higgs, mà vừa qua, giới truyền thông gọi là Hạt Của Chúa khi đưa tin hai nhà vật lí François Englert và Peter Higgs đã giành giải Nobel Vật lí 2013 với lí thuyết làm sao các hạt có khối lượng. Định danh “The God Particle” “Hạt Của Chúa” nhận được sự ưu ái của công luận là do nhà vật lý Leon Lederman (Nobel 1988) vô tình gọi hạt Boson Higgs từ việc đùa cợt goddamn nghĩa là “hạt mắc dịch” hoặc “hạt chết tiệt”, như ông từng thú nhận, vì việc chứng minh nó quá ư gian nan, có không không có như vũ điệu của vô thường. Hạt Của Chúa là một trong những mối quan tâm của ICISE Quy Nhơn và Hội thảo “Cửa sổ nhìn ra vũ trụ” diễn ra ở đất võ năm ngoái, trước kết quả Nobel khoảng 2 tháng.
Nhưng đó là chuyện của hoàng cung vật lý. Còn ở ICISE Quy Nhơn mới khánh thành hoành tráng đã có sự tham dự của 5 nhà vật lý đoạt giải Nobel, làm thành một sự kiện chưa có tiền lệ ở Việt Nam: GS Jack Steinberger (Mỹ gốc Do Thái) sinh năm 1921, Giải Nobel Vật lý năm 1988; GS Sheldon Lee Glashow (Mỹ) sinh năm 1936, Giải Nobel Vật lý năm 1979; GS David J. Gross (Mỹ) sinh năm 1941, Giải Nobel Vật lý năm 2004; GS. George Smoot (Mỹ) sinh năm 1945, Giải Nobel Vật lý năm 2006; GS Klaus von Klitzing (Đức) sinh năm 1943, Giải Nobel Vật lý năm 1985. Bên mỏm đồi Thi Nhân, nhà thơ Hàn Mặc Tử đối diện với bể Đông ngời chói ở địa hạt văn chương và giờ ICISE của GS Trần Thanh Vân, láng giềng trong hệ núi và biển Ghềnh Ráng Tiên Sa lại lẫy lừng trên phương diện khoa học. Nhà thơ và nhà vật lý nổi tiếng trên đều có gốc gác ở nam Hoành Sơn Linh Giang. Chợt nhớ, nhà thơ với những dòng thơ kỳ lạ, quán chiếu trong vũ trụ thơ ca như một sứ điệp quấn quýt cùng trăng nước gió mây: “Đang khi mầu nhiệm phủ ban đêm- Có tiếng gì rơi trong khoảng im- Rơi tự thượng tầng không khí xuống- Tiếng vang nhè nhẹ dội vào tim”, tôi không khỏi liên tưởng đến sự nhận thức bằng linh giác về …hạt của Chúa trong trường Higgs! Những hình ảnh sáng láng kỳ diệu từ cảm xúc thiên tính Hàn Mặc Tử: “Cả người ta là một miệng trăng- Cả lòng ta vô số gái hồng nhan- Ta nhả ra đây một nàng- Cho mây lặng lờ cho nước ngất ngây” không rõ có phép ứng chiếu nào với vật lý lượng tử, vật lý thiên văn hay không? Tuy nhiên, tôi đã gặp những nhà khoa học hàng đầu của thế giới đương đại về lượng tử và thiên văn ở Quy Nhơn, tôi có linh tính rằng họ là những thi sĩ đích thực của vũ trụ! Chỉ có điều, người ta chỉ quan tâm giá trị nghệ thuật của nhà thơ và giá trị khoa học của nhà vật lý, ít ai đi chú ý tầm vóc thơ của nhà vật lý và tầm vóc vật lý của nhà thơ!
Từ miền đất võ các nhà vật lý Nobel đã gieo những cảm hứng vũ trụ tạo thành sự lan truyền trong cư dân bản địa, nhất là với thế hệ khoa học trẻ. Suốt một tuần lễ, ngoài việc ngồi nghe những thuyết trình và tranh luận khoa học, dự tiệc chiêu đãi, tôi còn được tiếp xúc với họ qua những cuộc gặp gỡ của lãnh đạo địa phương với Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ. Với lòng ngưỡng mộ chân thành, tôi thích mời họ một ít trái cây Bình Định hoặc ly cà phê bình dân khi thỉnh thoảng dạo cùng họ trên bờ biển. Đây là những con người giản dị toàn tòng, từ trang phục dã ngoại đến việc ẩm thực, cũng như việc bày tỏ cảm xúc trước cảnh vật và con người Quy Nhơn. Đây là những tượng đài kỳ vĩ của nền khoa học nhân loại, và người Quy Nhơn thú vị với những tượng đài bằng xương bằng thịt đang khoan khoái reo lên trước một con sóng đẹp, ngỡ ngàng trước cảnh lắc thuyền thúng đi câu mực của ngư dân, mân mê một trái dừa lửa vàng ươm như một vũ trụ non tơ trên lòng tay hồn hậu. Họ tiếp xúc với nước dừa tôi mời theo kiểu dân dã không dùng ly và thìa, uống xong bổ đôi dùng mảnh vọ nạo cơm dừa, với vẻ hồn nhiên khi bắt gặp một sản vật lạ cộng với thành tâm của một nghi thức. Tôi mời họ những trái xoài trong vườn xoài dọc biển, và họ thích thú thật sự với cảnh mộc mạc đưa tay vin cành hái trái.
Những vĩ nhân của lĩnh vực đo đạc chiều kích cũng như tâm hồn vũ trụ này đã bỏ tiền túi, lặn lội nửa vòng trái đất đến miền đất võ theo lời kêu gọi bạn bè- GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam tại Pháp, một trong 3 người châu Á nhận huy chương Tate, sự vinh danh giành cho những người có công lao to lớn trong việc tổ chức và lãnh đạo các hoạt động vật lý trên quy mô quốc tế.ICISE trên một góc độ nào đó, có thể ví như một thửa ruộng duyên, góp phần tạo nên những quang hợp ngọt lành cho “cây lúa vật lý”. Hàn Mặc Tử của tư tưởng thi ca đã viết những câu thơ bên bờ biển Quy Nhơn, như hớp tinh anh của nguyệt cầu mà “Đo từ ngọn cỏ tới cung trăng- Những sợi hào quang vạn thước vàng- Bắt bắt thơ bay trong gió loạn- Để xem tình tứ nặng bao cân”. Xét đến cùng, hạt Higgs của khối lượng và liên kết, dường như không chỉ có mặt trong thế giới vật chất. Đi với các nhà vật lý Nobel, tôi không khỏi liên tưởng đến một đại thi hào Nobel văn chương 1913, Tagore, người mà những sáng tạo của ông khôn nguôi rung động theo nhịp điệu vũ trụ và hơi thở của đời sống yêu thương “Hãy từ bỏ những tràng hạt- Và những lời tụng niệm hát ca- Hãy mở mắt nhìn xem- Thượng đế ở nơi- Người nông dân đang cày trên mảnh đất khô cằn…”. Năm ngoái cuộc giao lưu trong khuôn khổ Gặp gỡ Việt Nam lần thứ IX có chương trình “Trăng sao trên bầu trời Quy Nhơn”, năm nay ICISE Quy Nhơn sẽ diễn ra Hội thảo “Vật lý hương vị”, những đề tài nghe đầy chất thơ.
Thửa ruộng duyên bên bờ biển Quy Nhơn, chiều kích của nó đương nhiên không dừng ở chu vi, diện tích ghi trong quyển sổ hồng. Mọi sự vật hiện tượng đều có nhân, quả và duyên. Nếu đủ các điều kiện trên, chiều kích của nó là chiều kích được tính bằng ma lực của trăng sao, vận tốc của ánh sáng… Suy cho cùng, như tiên cảm của Hàn Mặc Tử hoặc linh giác của Tagore, nhà thơ cũng như nhà vật lý, trong cuộc cày bừa gieo cấy, họ vừa là hóa thân của người nông dân lam lũ vừa là hóa thân của đấng Thượng đế toàn năng.
N.T.M