Hiệu quả từ mô hình cánh đồng mẫu lớn
Ảnh minh họa.
Ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: kể từ năm 2011, địa phương đã thực hiện thành công 1 mô hình sản xuất (CĐML) gắn với hội thi máy gặt đập liên hợp lúa các tỉnh phía Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại HTX Nông nghiệp 2 xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước với qui mô 50 ha, 264 hộ nông dân tham gia. Kết quả, năng suất bình quân đạt 75 tạ/ha, cá biệt có diện tích đạt 90 tạ/ha, lợi nhuận thu về 6 triệu đồng/ha (đạt 45%). Từ kết quả mô hình này, tỉnh Bình Định chỉ đạo các sở ban ngành chức năng, địa phương rút kinh nghiệm, phát huy và nhân rộng mô hình CĐML trên toàn địa bàn tỉnh.
Đến năm 2012-2013, Bình Định xây dựng 213 CĐML với tổng diện tích trên 9.000 ha. Vụ sản xuất Đông Xuân 2014 - 2015, ngành nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp, HTX nông nghiệp mở rộng xây dựng 226 CĐML với tổng diện tích trên 10.050 ha, thu hút gần 57.000 lượt hộ nông dân tham gia. Lợi nhuận đạt trung bình trên 23,65 triệu đồng/ha, tăng trên 3,75 triệu đồng so với sản xuất ngoài mô hình.
Mô hình CĐML không chỉ phát triển ở các xã đồng bằng mà còn được nhân rộng lên các huyện miền núi trong tỉnh như: An Lão, Vân Canh và Vĩnh Thạnh và đạt hiệu quả tốt. Địa phương đã thực hiện mô hình CĐML với các loại cây khác như: lạc, ngô và mía, hiệu quả kinh tế gấp đôi so với ngoài mô hình. Nhờ vậy, năm 2014, tổng giá trị sản xuất ngành nông-lâm-thuỷ sản của tỉnh đạt trên 6.188 tỷ đồng, tăng 6,9 %; trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 3.957 tỷ đồng, tăng 6,9 % so với cùng kỳ 2013.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng các CĐML còn bộc lộ một số tồn tại. Cụ thể, diện tích xây dựng mô hình còn nhỏ (từ 20-30-50 ha) trên một cánh đồng, riêng ở miền núi chỉ có diện tích từ 10-15 ha/cánh đồng. Nguyên nhân là do đặc điểm đồng ruộng của tỉnh chưa đồng nhất, năng lực và nhận thức của nông dân không đồng đều. Lý do đó đã khiến một số diện tích chưa đạt yêu cầu thực hiện qui trình kỹ thuật canh tác, ảnh hưởng đến năng suất chung.
Mặt khác nhận thức và quan điểm xây dựng CĐML thiếu đồng bộ và toàn diện. Một số chính quyền địa phương, hội đoàn thể chưa thực sự vào cuộc, còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào ngành nông nghiệp, cán bộ kỹ thuật....
Trước thực tế trên, bà Trần Thị Thu Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Để tiếp tục triển khai có hiệu quả mô hình CĐML, nhất là bảo đảm quyền lợi cho nông dân và doanh nghiệp và hạn chế tư thương ép giá, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện một số giải pháp. Cụ thể là tập trung xây dựng CĐML gắn với chuỗi sản xuất và thị trường tiêu thụ các loại cây lúa giống, ngô, lạc …gắn với doanh nghiệp thu mua sản phẩm, chế biến nguyên liệu thức ăn gia súc và các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào; c ân đối nguồn kinh phí, để chủ động xây dựng các CĐML đã xác định được hiệu quả trong thời gian qua như mô hình sản xuất thâm canh cây lúa, nhân giống lúa, thâm canh lạc, ngô và đặc biệt ưu tiên mô hình chuyển đổi sang cây trồng cạn.
Theo TTXVN