Hội nghị phổ biến Luật tổ chức chính quyền địa phương
Quang cảnh Hội nghị .
Ngày 19/6/2015, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Tổ chức Chính quyền địa phương và được Chủ tịch nước ký Lệnh số 05/2015/L-CTN công bố Luật và có hiệu lực thi hành kể từ 01/01/2016.
Luật Tổ chức Chính quyền địa phương được xây dựng trên cơ sở kế thừa, phát triển, hoàn thiện các quy định của Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003 và các văn bản pháp luật khác liên quan đã được thực tiễn kiểm nghiệm là hợp lý, đúng đắn và hiệu quả; sửa đổi những quy định không còn phù hợp; nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với điều kiện Việt Nam. Cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về Chính phủ và Chính quyền địa phương; bảo đảm chính quyền địa phương các cấp hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, hệ thống hành chính nhà nước thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến cơ sở; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng và giám sát hoạt động của chính quyền địa phương. Thể chế hóa các chủ trương của Đảng và cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về tổ chức đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Luật Tổ chức chính quyền địa phương gồm 8 chương và 143 điều, tăng 02 chương và 3 điều so với Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003. Trong đó luật điều chỉnh các vấn đề về đơn vị hành chính và tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính; bổ sung quy định về đơn vị hành chính và thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu nêu rõ Luật tổ chức chính quyền địa phương có vai trò quan trọng trong đời sống của cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt đóng vai trò quan trọng trong nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Các địa phương, đơn vị cần phải xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến luật trong cán bộ và nhân dân; cần chủ động, linh hoạt lựa chọn hình thức tuyên truyền, phổ biến phù hợp, tập trung đi sâu vào những nội dung cơ bản nhất nhằm giúp cán bộ và nhân dân dễ dàng tiếp thu, nắm bắt nội dung của Luật.
Theo tamnhin.net