Hội nghị trực tuyến bàn giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch COVID-19
Quang cảnh Hội nghị
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, từ đầu năm 2021 đến nay, mặc dù chịu ảnh hưởng của các đợt dịch bệnh Covid-19, Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo và phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp chủ động, sáng tạo, linh hoạt điều chỉnh sản xuất, phương thức kinh doanh để vừa thúc đẩy tiêu thụ nông sản, vừa bảo đảm phòng tránh dịch bệnh Covid-19 theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Đồng thời, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương theo dõi, bám sát tình hình giá cả, lưu thông hàng hóa, kịp thời chỉ đạo triển khai các biện pháp, kế hoạch để vừa đẩy mạnh sản xuất bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong nước, vừa thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu. 4 tháng đầu năm 2021, cả nước gieo trồng hơn 3,3 triệu ha lúa, gần 1,2 triệu ha rau màu các loại. Tổng đàn bò tăng khoảng 1%; đàn heo tăng 11,1%; đàn gia cầm ước tăng 8,3%... so với cùng thời điểm năm 2020; sản lượng thuỷ sản ước đạt 687 nghìn tấn. Tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản 4 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 17,1 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Tại Bình Định, hoạt động sản xuất và tiêu thụ nông sản của người dân trên địa bàn tỉnh cơ bản được bảo đảm. Toàn tỉnh đã thu hoạch gần 48.000 ha lúa Đông Xuân, và hàng nghìn ha cây trồng cạn, rau màu các loại. Ngoài cây ớt và dưa hấu, các loại cây trồng chủ lực như lúa, bắp, đậu phụng cho năng suất cao và giá bán cũng cao hơn cùng kỳ. Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19, một số thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi của tỉnh có hạn chế, nhất là mặt hàng thịt heo, thịt gà có dấu hiệu tồn đọng. Dịch cũng làm giá cả một số mặt hàng thủy sản giảm, đứt gãy nguồn cung nguyên liệu sản xuất…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh đề nghị các bộ, ngành Trung ương, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp phối hợp điều chỉnh sản xuất nông nghiệp, tăng cường chế biến, bảo quản lưu thông để linh hoạt thích ứng với bối cảnh dịch COVID-19. Hỗ trợ xúc tiến thương mại nông, lâm, thủy sản, phát triển thị trường nội địa, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động bán lẻ, kinh doanh thực phẩm, hàng nông sản. Đồng thời, tăng cường quản lý Nhà nước về thương mại, quản lý thị trường, lưu thông hàng hóa; kiên quyết xử lý các hành vị trục lợi, ép giá, gian lận thương mại. Thông tin kịp thời về tình hình sản xuất, lưu thông nông sản tại địa phương để chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất theo nhu cầu thị trường tiêu thụ, bảo đảm thông suốt trong lưu thông vật tư nông nghiệp và nông sản trong thời gian cách ly, ứng phó dịch bệnh.
Thùy Trang