A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước năm 2021 của ngành Tài chính

(binhdinh.gov.vn) - Sáng ngày 8/01, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020 và triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2021 với 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố tham gia. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và chỉ đạo Hội nghị. Tham dự hội nghị tại điểm cầu Bình Định có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cùng lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan của tỉnh.

Hội nghị tại điểm cầu Bình Định

Năm 2020, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhờ có sự chỉ đạo sát sao, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; các ngành, các cấp với quyết tâm cao, ngành Tài chính đã hoàn thành nhiều mục tiêu, nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) quan trọng mà Đảng và Nhà nước giao, góp phần vào hoàn thành thắng lợi mục tiêu chung của cả nước.

Theo Bộ Tài chính, thu NSNN năm 2020 đã đạt cao hơn so với đánh giá báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, với tổng thu cân đối NSNN ước đạt trên 1.507 nghìn tỷ đồng, bằng 98% dự toán, tăng gần 184 nghìn tỷ đồng so báo cáo Quốc hội.

Tính chung cả giai đoạn 2016-2020, tổng thu NSNN đạt 6,89 triệu tỷ đồng, hoàn thành vượt kế hoạch đề ra, mức rất tích cực trong điều kiện thu NSNN năm 2020 khó khăn, tăng trưởng kinh tế thấp hơn rất nhiều so dự kiến.

Tổng chi ngân sách năm 2020 ước khoảng trên 1.781 nghìn tỷ đồng, đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chi phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh... Trong đó, NSNN đã chi trên 18 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân vượt qua tác động của đại dịch Covid-19.

Điểm sáng trong tổ chức thực hiện chi ngân sách năm 2020 là tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển tiến bộ hơn so với năm trước. Ước tính đến ngày 31/12/2020 chi đầu tư phát triển đạt 82,8% dự toán (cùng kỳ đạt 62,9% kế hoạch).

Tính chung 5 năm giai đoạn 2016 - 2020, tổng chi NSNN ước đạt khoảng 7,66 triệu tỷ đồng; tỷ trọng chi NSNN bình quân khoảng 28% GDP (giai đoạn 2011 - 2015 là 29,5% GDP).

Đối với tỉnh Bình Định, năm 2020, ngành Tài chính đã quyết tâm, nỗ lực phấn đấu, tập trung đồng bộ các giải pháp tài chính – ngân sách nhà nước đã đề ra, điều hành thu, chi ngân sách chủ động ứng phó với dịch bệnh; góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, tính đến hết năm 2020 tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt trên 12.921 tỷ đồng, vượt 31,1% dự toán Trung ương giao, bằng 96,1% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương đạt 17.243 tỷ đồng, vượt 10,3% dự toán năm, tăng 8,4% so với cùng kỳ.

Năm 2021, Bộ Tài chính đề ra mục tiêu huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước để ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh-quốc phòng theo định hướng của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; thực hiện cơ cấu lại ngân sách nhà nước gắn với việc sắp xếp tổ chức lại bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công lập, tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính – ngân sách, triệt để tiết kiệm chi ngân sách nhà nước. Cụ thể sẽ thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước 1.343,3 nghìn tỷ đồng, trong đó dự toán thu nội địa là 1.133,5 nghìn tỷ đồng. Dự toán chi ngân sách nhà nước là 1.687 nghìn tỷ đồng…

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ của ngành trong năm 2021, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong thu, chi ngân sách và nhiều nhiệm vụ trong tâm của ngành.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và biểu dương những kết quả xuất sắc ngành Tài chính đã đạt được trong 5 năm qua, đặc biệt là trong năm 2020. Thủ tướng đề nghị, thời gian tới, ngành Tài chính cần phối hợp với các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp triển khai thực hiện các nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm là: làm tốt công tác thu đúng, thu đủ, chống thất thu; điều hành ngân sách nhà nước chặt chẽ, hiệu quả; tăng cường quản lý giá, thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát, đảm bảo hàng hóa, ổn định giá cả thị trường nhất là trong dịp Tết Nguyên Đán. Nâng cao chất lượng dịch vụ bảo hiểm, tăng cường kết nối bảo hiểm với dịch vụ tài chính khác…Xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực hiệu quả, đội ngũ cán bộ công chức ngành Tài chính có tâm, có tầm; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa toàn ngành và đặc biệt là tăng cường hội nhập tài chính quốc tế.

Thùy Trang


Tin nổi bật Tin nổi bật