Họp Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh Dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn tỉnh Bình Định
Quang cảnh buổi họp
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện nay, cả nước có 500 xã thuộc 235 huyện của 47 tỉnh thành đã qua 30 ngày không phát dịch, tuy nhiên hiện tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Tại Bình Định đã xuất hiện ổ dịch đầu tiên vào ngày 30/5/2019; sau đó, lây lan diện rộng tại các địa phương trong tỉnh. Tính đến ngày 24/9/2019, Dịch tả heo Châu Phi đã xảy ra ở 2.407 hộ chăn nuôi tại 347 thôn, làng, khu vực của 84 xã, phường, thị trấn thuộc 10 huyện, thị xã, thành phố là Quy Nhơn, Tuy Phước, Vân Canh, An Nhơn, Tây Sơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Hoài Ân, An Lão.
Tính đến ngày 24/9/2019 tổng số heo buộc phải xử lý tiêu hủy là 25.187con (chiếm 3,4% so với tổng đàn heo năm 2018). Tổng thiệt hại ước khoảng 72 tỷ đồng, trong đó: chi hỗ trợ người chăn nuôi có heo tiêu hủy khoảng: 42,5 tỷ đồng; kinh phí mua vật tư và chi trả tiền công cho lực lượng tham gia phòng chống dịch: 29,5 tỷ đồng. Ngoài Vĩnh Thạnh không xuất hiện ổ dịch, từ cuối tháng 8/2019 đến nay, huyện Vân Canh chưa phát hiện ổ dịch mới trên địa bàn. Các địa phương không phát hiện heo bệnh trong tuần là Quy Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Hoài Ân. Hoạt động cấp xuất kinh phí cho công tác phòng, chống dịch ở các địa phương rất chậm, hầu hết chưa được triển khai kịp thời. Tính đến nay, tổng kinh phí xuất chi ở các địa phương khoảng 8,7 tỷ đồng. Tình hình dịch bệnh có xu hướng giảm dần, tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại các tỉnh, thành vẫn đang diễn biến phức tạp. Người chăn nuôi trong tỉnh thiếu quan tâm áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, không thường xuyên thực hiện tiêu độc sát trùng khi qua lại các hộ là nguy cơ dễ xảy ra dịch, tạo điều kiện thuận lợi phát sinh dịch bệnh trong thời gian đến.
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng sau khi nghe các ý kiến của các địa phương, sở ngành liên quan của tỉnh đã lưu ý một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm cần triển khai trong thời gian đến. Trong đó, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác giám sát phòng chống dịch, tăng cường các cuộc họp Ban chỉ đạo để theo dõi, kiểm tra hiện trường, tiến hành công tác tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi. Sở Tài nguyên môi trường tiến hành công tác quan trắc các hố chốn lấp trước đây để kiểm tra môi trường, tránh lây nhiễm vùng chăn nuôi; tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo về phòng chống dịch, hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh. Duy trì hoạt động của các Trạm Kiểm dịch động vật tạm thời tại các tuyến Quốc lộ qua Bình Định. UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo quyết liệt hoạt động nuôi mới, tái đàn heo nhằm phục hồi đàn heo, đảm bảo cung cấp cho nhu cầu người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán. Đồng thời, tăng cường công tác tiêm phòng dịch bệnh heo trong mùa mưa cũng như bố trí lực lượng kiểm soát công tác giết mổ, hướng dẫn cơ sở giết mổ tuân thủ kiểm soát nguồn heo nhập đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm khi cung cấp ra thị trường./.
Thùy Trang