|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên

(binhdinh.gov.vn) - Chiều ngày 6/8, tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Hồng Diên - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chủ trì hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên 2021. Hội nghị trực tuyến diễn ra trong 3 ngày (6, 9 và 10/8/2021) nhằm tháo gỡ khó khăn về tiêu thụ nông sản, thủy sản của các tỉnh khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Dự hội nghị tại điểm cầu Bình Định có đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh.

Các điểm cầu trực tuyến của Hội nghị

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng đầu năm của cả nước đạt 2.791,3 nghìn tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm ước đạt 185,33 tỷ USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 13,4 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, phần lớn các mặt hàng chủ lực đều đạt tăng trưởng dương; ước tính 7 tháng đầu năm 2021 đạt 15,8 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ...

Hiện nay, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp, đặc biệt ở các tỉnh, thành phía Nam. Việc xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm địa phương là nông sản, thủy sản của các tỉnh khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên trong lúc này là vấn đề cấp thiết cần đặt ra, nhất là trong bối cảnh việc nhiều địa phương trong khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội, các doanh nghiệp (DN) thực hiện phương án “3 tại chỗ”, “2 điểm đến 1 cung đường” đã dẫn đến nhiều DN sản xuất buộc phải đóng cửa, tạm ngừng sản xuất.

Hội nghị tại điểm cầu Bình Định

Trên địa bàn tỉnh Bình Định, tình hình dịch bệnh Covid-19 cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Trước tình hình đó, Tỉnh đã tăng cường hỗ trợ kết nối tiêu thụ cho mạng lưới HTX nông nghiệp và nông dân thông qua nhiều biện pháp tích cực, như: Cung cấp thông tin kịp thời các văn bản chỉ đạo, các yêu cầu của các ngành chức năng liên quan đến việc lưu thông, vận chuyển nông sản hàng hóa ra - vào tỉnh đến với thị trường tiêu thụ; tạo điều kiến tốt nhất cho Doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh... Hiện, sản lượng sản phẩm nông lâm thủy sản khả năng cung ứng của tỉnh gồm: Rau ăn lá 3 tấn/ngày; rau ăn quả 2 tấn/ngày. Thủy hải sản đông lạnh 2.720 tấn dự trữ, thủy hải sản tươi 600 tấn/vụ, thủy hải sản khô 3 tấn dự trữ, thủy hải sản chế biến 2 tấn/ngày… Thịt gia cầm như gà 20 tấn/ngày, thịt heo 1.750 tấn/đợt và trứng gia cầm 20.000 quả/ngày…Trong 6 tháng đầu năm, mặt hàng thủy sản của tỉnh đã xuất khẩu sang 41 thị trường, trong đó thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng 24,5%, cao nhất trong các thị trường xuất khẩu thủy sản của tỉnh. Về mặt hàng nông sản của tỉnh, trong 6 tháng đầu năm cũng đã xuất khẩu sang 10 nước, trong đó Philippin, Trung Quốc, Hàn Quốc là những thị trường chiếm tỷ trọng cao nhất.

Tại Hội nghị, các địa phương giới thiệu tiềm năng thế mạnh, nhu cầu kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất nhập khẩu nông sản thủy sản chủ lực các địa phương miền Tây Nam Bộ, miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài thông tin về tình hình thị trường yêu cầu đối với nông sản thủy sản nhập khẩu vào thị trường EU, Nhật Bản. Các bộ, ngành địa phương đã đề xuất các giải pháp kết nối cung - cầu đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, thủy sản Nam Bộ và Tây Nguyên qua hệ thống phân phối của Việt Nam, qua kênh thương mại điện tử và kênh tiêu thụ nước ngoài. Kiến nghị các phương án chế biến, dự trữ nông sản, thủy sản, giải pháp giải quyết vấn đề lưu thông hàng hóa; phương án vận chuyển phục vụ xuất nhập khẩu của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh cần đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, xem đây là thị trường quan trọng nhất để tiêu thụ nông sản trong thời điểm này; sau đó tập trung vào các thị trường xuất khẩu truyền thống và mở rộng ra các thị trường mới, cố gắng tiêu thụ khẩn trương lượng nông sản này.

Đồng chí đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương khẩn trương rà soát, nắm chắc số lượng nông sản cần tiêu thụ; có giải pháp kết nối tiêu thụ tại chỗ; số lượng còn lại cần phối hợp các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp ngành hàng để được tư vấn, tổ chức tiêu thụ khẩn cấp; huy động lực lượng trong khâu thu hoạch, bảo quản, đóng gói, đặc biệt phải bảo đảm an toàn dịch bệnh cho sản phẩm cũng như cho người lao động, cần thiết có tập huấn cho lực lượng này và ưu tiên tiêm ngừa vaccin COVID-19, cũng như được xét nghiệm thường xuyên.

Đối với việc lưu thông hàng hóa giữa các địa phương gặp khó khăn do công tác chống dịch áp dụng các quy định không giống nhau, làm cản trở quá trình lưu thông hàng hóa, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị các địa phương dứt khoát không được đặt quy định riêng gây cản trở lưu thông hàng hóa, đặc biệt là nông sản. Ngoài ra, đề nghị các địa phương nghiên cứu duy trì được hoạt động của các chợ đầu mối, chợ truyền thống và siêu thị, cửa hàng tiện ích vì đây là hệ thống thiết yếu trong chuỗi cung ứng, đóng vai trò phục vụ đời sống Nhân dân.

TL

 


Tin nổi bật Tin nổi bật