A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kết quả thực hiện Kế hoạch hành động phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn trên địa bàn tỉnh Bình Định

(binhdinh.gov.vn)-Thực hiện Văn bản số 1471/BNN-TCTL ngày 27/02/2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT; UBND tỉnh Bình Định báo kết quả 05 năm thực hiện Kế hoạch hành động phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn trên địa bàn tỉnh.

Trong những năm gần đây, việc áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, đặc biệt là công nghệ tưới tiên tiến và tiết kiệm nước cho cây trồng cạn đã chứng minh đây là một trong những giải pháp mang tính đột phá cho ngành Nông nghiệp. Nhằm nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu của hệ thống nông nghiệp để góp phần ổn định an ninh lương thực, kết hợp với các nhu cầu thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, xây dựng nền nông nghiệp bền vững, trên địa bàn tỉnh Bình Định đã ứng dụng mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở một số địa phương và bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. 

Trong tiến trình triển khai chuyển giao và áp dụng các mô hình, Sở Nông nghiệp và PTNT rất chú trọng công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn các biện pháp tưới tiết kiệm đối với cây trồng cạn cho các hộ nông dân bằng công nghệ tưới phun mưa để chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Sau 03 năm triển khai thực hiện Kế hoạch hành động phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn trên địa bàn tỉnh, kết quả: Năm 2017, tưới tiết kiệm với diện tích 1.200 ha tập trung ở các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, đạt tỷ lệ 3,5% diện tích đất sản xuất nông nghiệp; Năm 2018 là 3.450 ha tập trung ở các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, đạt tỷ lệ 10,04% diện tích đất sản xuất nông nghiệp; Năm 2019 là 6.648 ha, đạt tỷ lệ 19,71 % diện tích đất sản xuất nông nghiệp.

Từ năm 2017 đến 2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã chuyển giao ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước trên cây bưởi da xanh và xác định thời điểm tưới và lượng nước tưới minipan, quy mô mỗi điểm mô hình 01 ha ở các xã Hoài Đức, Ân Thạnh, Tây Giang, Hoài Mỹ, Ân Tường Tây, An Tân. Trong năm 2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện liên kết sản xuất lạc theo chuỗi gắn với bao tiêu và chế biến dầu lạc với quy mô 15,0 ha (05 ha/điểm), số hộ tham gia là 110 hộ; trong đó, áp dụng công nghệ xác định nhu cầu tưới cây lạc bằng minipan tại 03 điểm xã Hoài Châu Bắc (Hoài Nhơn), Cát Tài (Phù Cát) và Bình Thuận (Tây Sơn).

Ngoài ra, có 28 nhóm nông dân với số lượng 703 hộ tham gia Dự án Rau an toàn của tỉnh được lắp đặc các hệ thống tưới nước bán tự động và tự động trong việc sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm trên cây rau như tưới nhỏ giọt, phun mưa, phun sương với quy mô sản xuất hơn 50 ha.

Để đạt được kết quả trên, Sở NN và PTNT đã tích cực tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất, cụ thể: Quyết định số 1885/QĐ-UBND, ngày 03/6/2016 phê duyệt Quy hoạch thuỷ lợi tỉnh Bình Định giai đoạn 2015-2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 2683/QĐ ngày 03/8/2015 về Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Bình Định; Quyết định số 20/2015/QĐ-UBND ngày 06/8/2015 quy định mức hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 44/2020/QĐ-UBND ngày 28/7/2020 quy định mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh Bình Định; Quyết định số 4337/QĐ-UBND ngày 11/12/2018 ban hành Kế hoạch hành động phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Trong quá trình triển khai thực hiện, công tác chuyển giao công nghệ và áp dụng kỹ thuật tiên tiến luôn có những thuận lợi nhất định, như: Đối với sản xuất nông nghiệp, diện tích sử dụng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước có năng suất cây trồng cao hơn 10-15%/ha/năm so với diện tích không sử dụng hệ thống tưới nước tiên tiến, tiết kiệm; chi phí công lao động để tưới và chăm sóc giảm khoảng 20-25%; tăng tính cạnh tranh của sản phẩm thông qua tăng mức độ tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm đạt 10%. Đối với sử dụng tài nguyên (đất, nước), lượng nước tiết kiệm so với tưới nước truyền thống đạt 20-25%; giá trị sản xuất nông nghiệp/ha tăng 0,5%; mức độ chuyển đổi cơ cấu cây trồng tăng 6,5%. Đóng góp vào thu nhập người dân, doanh nghiệp, thu nhập của người dân tăng khoảng 10% so với không áp dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Trong công tác ứng phó với hạn hán, thiếu nước, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, hạn chế mức độ thiếu nước trên cây trồng cạn; mức độ thiệt hại trong sản xuất do thiếu nước giảm 5%; giảm 10% lượng phân bón sử dụng. Hiệu quả trong xây dựng và phát triển bền vững nông thôn mới, hiệu quả sản xuất nông nghiệp tăng lên 2-4%; thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 0,2% góp phần nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn. Hiệu quả chung đóng góp vào quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thủy lợi: việc sử dụng hệ thống tưới nước tiên tiến, tưới tiết kiệm giảm được chi phí sản xuất, công lao động để tưới nước, chăm sóc, giảm lượng nước tưới, giảm lượng phân bón cho cây trồng đồng thời tăng năng suất cho cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt thuận lợi vẫn còn những khó khăn như: Nguồn vốn để xây dựng các Quy hoạch, đầu tư xây dựng áp dụng công nghệ tiên tiến còn thiếu và hạn chế và khu tưới tỉnh Bình Định có địa hình chia cắt, diện tích manh mún nhỏ lẻ. Diện tích sản xuất cây trồng cạn trên địa bàn tỉnh không tập trung nên việc áp dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước mới chỉ dừng lại ở quy mô hộ gia đình, chưa có doanh nghiệp tham gia hợp đồng bao tiêu sản phẩm nông nghiệp, chưa xây dựng được các chuỗi liên kết sản xuất nên giá cả còn bấp bênh, đầu ra sản phẩm chưa ổn định, người dân ngại đầu tư nhân rộng.

Chính vì vậy, trong thời gian tới để triển khai công nghệ tưới tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh một cách hiệu quả và rộng rãi, bên cạnh việc bố trí nguồn kinh phí để tiếp tục duy trì, mở rộng, khuyến khích nông dân thực hiện thì việc hỗ trợ cho hộ dân tiếp cận với các chính sách hiện hành vay vốn dài hạn để đầu tư cơ sở vật chất ban đầu là cần thiết./.

Thùy Trang


Tin nổi bật Tin nổi bật