A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị trực tuyến giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài

(binhdinh.gov.vn)-Sáng ngày 31/8, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà chủ trì hội nghị trực tuyến “Giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ 8 tháng đầu năm 2020”. Dự hội nghị tại điểm cầu Bình Định có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long và đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan của tỉnh.

Điểm cầu Bình Định

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong 8 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ giải ngân vốn vay nước ngoài của cả nước đạt 21,64% dự toán kế hoạch được giao và cao hơn cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều mức bình quân chung giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 của cả nước. Nguyên nhân tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư thấp là do các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài chịu tác động của đại dịch Covid-19 nặng nề hơn so với các dự án trong nước, do hầu hết các hoạt động sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát (các dự án của ngành giao thông)… Mặt khác, năng lực của không ít chủ dự án còn yếu, vấn đề vướng mắc trong giải phóng mặt bằng; điều chỉnh, sử dụng vốn dư... làm chậm thêm tiến độ giải ngân nguồn vốn này.

Đối với tỉnh Bình Định, theo số liệu thống kê của các chủ đầu tư, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư vay nước ngoài của các dự án ODA trên địa bàn tỉnh đến ngày 28/8/2020 đạt khá cao. Cụ thể: Nguồn vốn ODA ngân sách Trung ương cấp có tỷ lệ giải ngân 75,53%; Vốn ODA địa phương cho vay lại Chính Phủ có tỷ lệ giải ngân 40,08%

Để đẩy nhanh tiến độ và kết quả giải ngân vốn ODA và vốn vay nước ngoài, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà yêu cầu các địa phương, đơn vị cần rà soát lại khả năng giải ngân đến cuối năm của từng dự án để xem xét, điều chỉnh dự toán cho phù hợp. Trường hợp điều chỉnh tổng mức dự toán của tỉnh, thành phố phải có báo cáo với Trung ương để xem xét; trường hợp điều chỉnh tăng, giảm giữa các dự án trong phạm vi tỉnh, thành phố thì các địa phương chủ động thực hiện; riêng các dự án có liên quan đến kế hoạch đầu tư công trung hạn thì phải xin ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để có điều chỉnh phù hợp. Đối với những dự án có khả năng hoàn thành giải ngân, Bộ Tài Chính yêu cầu các địa phương phải chỉ đạo sớm giải quyết vướng mắc trong GPMB, đấu thầu… để đảm bảo tiến độ. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng cần sớm phối hợp hoàn tất thủ tục cho vay lại với Bộ Tài chính. Thứ trưởng cũng lưu ý, với những địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp, phải có sự rà soát, xác định rõ nguyên nhân để có giải pháp tốt hơn trong những tháng còn lại của năm./.

Thùy Trang


Tin nổi bật Tin nổi bật